Dân Việt

Hà Nội: Gần 4.000 hộ dân KĐT Đại Thanh vẫn khốn khổ vì thiếu nước

Ngọc Lê 30/05/2014 18:54 GMT+7
Mặc dù việc cung ứng nước sạch lấy từ nguồn nước Sông Đà cho khu vực phía Tây của Hà Nội trong những ngày gần đây đã ổn định, song hơn 3.700 hộ dân sống tại khu đô thị Đại Thanh vẫn sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, nước chỉ được phân phối theo giờ.
Nửa đêm dậy… hứng nước

Trải qua cảnh mất nước hơn nửa tháng nay, anh H.Đ, sống ở tầng 15 của tòa nhà CT8B - khu chung cư Đại Thanh cho biết: “Từ ngày mất nước, tôi đã phải mua 2 thùng chứa lớn một thùng 220 lít, một thùng 180 lít để phục vụ việc chứa nước. Ngày nào cũng thế, tôi phải để hai thùng chứa nước đó ở 2 vòi cấp nước và luôn mở sẵn, khi nào có nước thì… hứng luôn”.

Anh Đ cũng cho biết, có nhiều hôm ban quản lý tòa nhà bơm nước từ 4-5 giờ sáng, cứ nghe tiếng nước chảy là anh phải dậy để… hứng lấy nước dùng, vì nếu không chỉ 15-20 phút sau là lại… mất nước.

img
Hàng nghìn hộ dân ở khu đô thị Đại Thanh đang thiếu nước, trong khi đơn vị cung ứng nước và chủ đầu tư vẫn đổ lỗi cho nhau.

Cũng chính vì lý do mất nước, mà trong những ngày gần đây câu chuyện được cư dân trên Facebook “Cư dân Đại Thanh” đề cập nhiều nhất, đó là chuyện mất nước. Thậm chí trên Facebook này, nhiều hộ còn phải cập nhật từng giờ việc cung cấp nước của tầng, tòa nhà mình.

Chị V.H.T, sống ở tòa 8C than thở: “Tôi nghe bây giờ nguồn nước sạch ở Hà Nội đã ổn định, song không hiểu sao ở khu chung cư này tình trạng thiếu nước vẫn diễn ra. Chúng tôi rất mệt mỏi vì ngày nào cũng lo mất nước”.

Nhiều cư dân khác cũng phản ánh, mặc dù họ đã vào làm việc với Ban Quản lý khu đô thị nhiều lần, song câu trả lời mà họ nhận được chỉ là việc giải quyết mang tính tình thế.

Anh Bùi Văn Hợp, ở tòa 8B cho biết: “Hôm 27.5, chúng tôi đã có buổi làm việc với BQL, thì họ chỉ bảo trước mắt chỉ có thể điều tiết được nước từ tòa nọ sang tòa kia, chứ chưa thể đảm bảo cung cấp nước 24/24 giờ cho các hộ dân”. Lý do, theo anh Hợp là BQL vẫn trả lời do nguồn nước cấp vào khu đô thị không đủ.

Hai bên đổi lỗi cho nhau

Chiều 30.5, trao đổi với phóng viên Dân Việt về việc vì sao nguồn nước sạch của Hà Nội đã ổn định nhưng ở khu đô thị Đại Thanh vẫn bị mất nước, ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch Hà Nội (Viwaco) cho biết: “Việc mất nước ở khu đô thị Đại Thanh là do sự điều tiết tổng, còn về phía Viwaco, chúng tôi vẫn cung cấp nước bình thường với lưu lượng nước xấp xỉ 1.500m3/ngày, đêm”. Trả lời câu hỏi vì sao nói Viwaco cung cấp đủ nước nhưng trong khu đô thị vẫn thiếu nước, ông Việt chỉ nói: “Cái này nên tìm hiểu ở BQL xem họ điều tiết và phân phối, sử dụng nước ra sao. Chúng tôi chỉ biết cung cấp đủ nước qua nguồn tổng”.

Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã tiếp tục trao đổi với ông Lê Thanh Thản - Giám đốc Doanh nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, chủ đầu tư khu đô thị Đại Thanh. Ông Thản cho biết: “Hiện không có chuyện khu đô thị Đại Thanh mất nước, chúng tôi vẫn điều tiết được”. Tuy nhiên, khi được hỏi, nếu không có vấn đề gì, sao suốt nửa tháng nay ở 6 tòa nhà trong khu đô thị thường xuyên xảy ra mất nước, ông Thản thừa nhận: “Đúng là không mất nước, nhưng thiếu nước. Trung bình mỗi ngày chúng tôi chỉ bơm được 2 lần cho một tòa, mỗi lần bơm chỉ được 1 giờ”.

Cũng theo ông Thản, việc thiếu nước này là do Viwaco cung cấp không đủ và việc khắc phục phải do Viwaco xử lý bằng cách lắp đặt thêm đường nhánh thứ 2 để cung cấp nước cho khu đô thị.

Tuy nhiên, trao đổi lại với ông Nguyễn Anh Việt thì ông này cho biết, việc mất hoặc thiếu nước ở khu đô thị Đại Thanh lỗi là do chủ đầu tư. “Nói thật, khu đô thị này không có trong danh mục cung cấp nước của chúng tôi ngay từ đầu, bởi mãi đến khi gần xây dựng xong, chủ đầu tư mới đặt vấn đề và thỏa thuận với chúng tôi. Chúng tôi cũng đã khắc phục bằng cách chữa cháy cho họ khi lắp đặt thêm nhiều đường nhánh cấp nước”, ông Việt cho biết.

Cũng theo ông Việt, phía công ty ông cũng rất mệt mỏi vì việc này, do liên tục có nhiều người hỏi, song phải khẳng định, lỗi đầu tiên ở đây là do từ khi xây dựng, chủ đầu tư đã không làm việc với phía Viwaco nên mới dẫn đến tình trạng thiếu, mất nước ở Đại Thanh như hiện nay. “Giờ chúng tôi chỉ biết cấp nước, còn việc bơm trong khu đô thị như thế nào là việc của họ”, ông Việt dứt khoát.

Một số chuyên gia thủy lợi cho rằng, về nguyên tắc khi thiết kế xây dựng các tòa chung cư, chủ đầu tư phải tính toán được hệ số cấp nước là 1,2 (tức nếu tòa nhà đó có 30 tầng, phải tính toán rằng, tất cả các hộ đồng loạt mở tất cả các vòi nước có trong nhà mình và nhân với hệ số 1,2 mà vẫn đủ nước). Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, việc thiết kế đường ống cấp nước ở khu đô thị Đại Thanh có nhiều vấn đề khi chủ đầu tư tiến hành lắp chỉ một đường ống chung cho cả 6 tòa nhà, từ đó dẫn tới việc, những tòa “đầu nguồn” thì có nhiều nước, còn những tòa “cuối nguồn” luôn luôn rơi vào tình trạng thiếu nước.

Một số chuyên gia cũng đánh giá, việc chủ đầu tư xây dựng các tòa nhà cao tầng với quy mô căn hộ nhỏ 42-70m2, nên trên cùng một mặt sàn sẽ có nhiều hộ sinh sống cũng làm gia tăng áp lực cấp nước sinh hoạt.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ, việc chủ đầu tư khu đô thị Đại Thanh xây dựng tới 6 tòa nhà với 3.900 hộ dân/12.000 dân sinh sống nhưng ngay từ đầu đã không tính đến việc cấp nước sinh hoạt, mà đến khi gần xây dựng xong chủ đầu tư mới tính toán đến việc cung cấp nước, phải chăng chủ đầu tư quá coi nhẹ quyền lợi của cư dân mua căn hộ của họ?