Theo giới chức Nhật Bản, bức tường sẽ ngăn nước ngầm từ những khu đồi bên cạnh chảy xuống bên dưới nhà máy vốn bị hư hại nặng nề sau thảm họa động đất sóng thần hồi năm 2011, hòa vào lượng nước bị nhiễm xạ tại đây và tiếp tục rò rỉ ra môi trường. Dự án này nhằm xây dựng một hệ thống đường ống đặt sâu dưới lòng đất và một hệ thống làm lạnh sẽ được bơm dọc các đường ống tạo thành bức tường băng dài 1,5km bao quanh nhà máy, chặn các dòng chảy ngầm đi qua khu vực bị nhiễm xạ này.
Nhân viên Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) tại phòng vận hành trung tâm của lò phản ứng số 1 và số 2. Ảnh: AFP - TTXVN
Ý tưởng này được các nhà khoa học đề xuất vào năm ngoái và đã được áp dụng trong công trình xây dựng các đường hầm ở một kênh đào gần nhà máy Fukushima. Dự án chính thức được Cơ quan giám sát hạt nhân Nhật Bản thông qua hồi tuần trước và kinh phí cho dự án được cấp bởi ngân sách quốc gia.
Việc kiểm soát khối lượng khổng lồ nước bị nhiễm xạ và đang không ngừng tăng lên tại Fukushima hiện là thách thức lớn nhất đối với đơn vị chủ quản là Công ty điện lực Tokyo (TEPCO). Chủ yếu lượng nước bị nhiễm xạ là do dùng để làm mát các thanh nhiên liệu ở các lò phản ứng bị hư hại sau thảm họa động đất-sóng thần. Hồi tháng trước, TEPCO đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống làm chệch hướng các dòng chảy ngầm, giảm lượng nước bị nhiễm phóng xạ rò rỉ ra biển.
Ước tính, việc dỡ bỏ hoàn toàn nhà máy điện Fukushima có thể mất vài thập kỷ. Hiện một khu vực rộng lớn xung quanh nhà máy vẫn được rào kín và không có người ở do mức độ phóng xạ cao.