Dân Việt

Khi bài hát không chỉ là nốt nhạc

Mai An 02/06/2014 07:09 GMT+7
Xem “Giai điệu Tự hào” phát sóng tối 31.5 trên VTV1 thấy lòng nghèn nghẹn, một chương trình giới thiệu ca khúc cho thiếu nhi, nhưng có quá nhiều điều để nói phía sau nốt nhạc.
Bởi trẻ em chính là tương lai của đất nước nên rất cần xem chúng đang được đối xử thế nào.

Những bài hát còn xanh

Rất nhiều khán giả lớn tuổi sẽ gặp lại tuổi thơ của mình trong chương trình Giai điệu Tự hào với chủ đề “Bé bé bằng bông”, trải dài từ thời kháng chiến chống Pháp cho đến thời chống Mỹ, rồi khi hòa bình lập lại. Từng vỉa ký ức thời gian được lật lại, qua những bài hát đã gắn với cuộc đời mỗi người, gắn với những thời điểm lịch sử cụ thể của đất nước.

Ca khúc “Đi học” do Hải Bột trình bày gây tranh cãi nhiều nhất trong chương trình.
Ca khúc “Đi học” do Hải Bột trình bày gây tranh cãi nhiều nhất trong chương trình.

7 bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, “Bé bé bằng bông”, “Chi đội em làm kế hoạch nhỏ”, “Lỳ và Sáo”, “Đi học”, “Đưa cơm cho mẹ đi cày”, “Mùa hoa phượng nở” cùng với các thước phim tư liệu đã tái hiện lịch sử như một cuốn phim đầy ấn tượng. Và người xem chợt nhận ra, đó không chỉ là những ca khúc cho thiếu nhi mà đã trở thành một phần của lịch sử dân tộc này, khi những đứa trẻ không chỉ sống với lứa tuổi “vô lo” mà đã tham dự một phần rất sâu vào mọi mặt trong đời sống.

Những đứa trẻ tham gia đánh giặc Pháp trong “Lỳ và Sáo”, những đứa trẻ đi nhặt từng mẩu giấy vụn trong phong trào “kế hoạch nhỏ”, trở thành những xã viên của “hợp tác xã tí hon”, những đứa trẻ đưa cơm cho mẹ đi cày khi bố đang chiến đấu ngoài mặt trận với giặc Mỹ… Và cả cô bé đi sơ tán tránh giặc tay vẫn ôm một cô búp bê bằng bông mang theo ước mơ tràn đầy lạc quan của người mẹ: “Bao giờ chiến thắng đưa bé về phố đông”. Đó là hình ảnh tuổi thơ, là ký ức hình thành nên nhân cách của biết bao nhiêu người, để từ đó mà có đức tính chịu thương chịu khó, sự dũng cảm, bền gan trong cuộc chiến đấu để bảo vệ đất nước.

Những nhân vật được mời đến trường quay như nhà giáo Nguyễn Đức Thìn - đội viên Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, bà Bích Ngọc - phát thanh viên của chương trình thân thuộc một thời “Những bông hoa nhỏ”… đều là những điểm nhấn khiến cho những mảng ký ức càng thêm tươi mới. Chợt nhớ đến những câu thơ rưng rưng trong bài “Thời gian” của thi sĩ, nhạc sĩ Văn Cao: “Thời gian qua kẽ tay/Làm khô những chiếc lá/Kỷ niệm trong tôi/Rơi như tiếng sỏi/trong lòng giếng cạn/Riêng những câu thơ/còn xanh/Riêng những bài hát/còn xanh…”.

Những bài hát gắn bó với tuổi thơ của mỗi người chắc chắn sẽ mãi mãi còn xanh, bởi nó không bao giờ mất đi đâu cả, trong ngôi nhà ký ức, nó đã có một vị trí trang trọng nhất, lúc nào cũng trong trẻo và tinh khôi.

Hôm qua và hôm nay

Có thể nói trong chương trình Giai điệu Tự hào “Bé bé bằng bông”, khoảng cách thế hệ giữa hai hội đồng bình luận đã lộ rõ trong phần tranh luận về ca khúc “Đi học”.

Trong khi hội đồng bình luận lớn tuổi thì đồng loạt cho rằng bản phối mới của nhạc sĩ Quốc Trung là “phá bài hát, không thể chấp nhận được” thì hội đồng trẻ lại có những cách giải thích hợp lý hơn, dễ chấp nhận hơn khi họ muốn bài hát có được một đời sống nối dài, muốn một tác phẩm nghệ thuật được trình bày bằng nhiều phong cách. Phần tranh luận này tạo nên nhiều thú vị cho người xem.

Hai ca khúc được bình chọn nhiều nhất trong chương trình là “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Phong Nhã với tỷ lệ 91,33% và “Mùa hoa phượng nở” của nhạc sĩ Hoàng Vân với tỷ lệ 94,41%.

Và đằng sau những bài hát không chỉ có ca từ và nốt nhạc, nhiều vấn đề đã được đặt ra về trẻ em, về tuổi thơ ngày hôm qua và hôm nay. Bệnh thành tích đã ăn sâu vào nền giáo dục với những bảng điểm đẹp, phong trào dạy thêm học thêm, chuyện làm “kế hoạch nhỏ” theo kiểu hình thức, trẻ em thành phố được cưng chiều mà không được giáo dục về tình yêu lao động, ai có lỗi khi tuổi thơ của trẻ bị đánh cắp mỗi dịp hè về… Hàng loạt những vấn đề được nêu ra sau mỗi bài hát khiến người xem phải suy nghĩ nhiều hơn về cách mà cả xã hội đang giáo dục trẻ ngày hôm nay.

Và phải thừa nhận một thực tế, đúng là con đường của trẻ đi học trong ký ức của thế hệ những người lớn tuổi trải đầy hoa thơm chim hót, nên thơ với cọ xòe ô che nắng, tiếng suối trong thầm thì, còn ngày nay, nó đã nhuốm phần mệt mỏi, trầm buồn như bản phối bài “Đi học” của nhạc sĩ Quốc Trung. Chuyện đi học ngày nay đã trở thành gánh nặng với những gia đình nghèo ở nông thôn như câu chuyện của ông Nguyễn Hữu Định - người bố sống trong ống cống làm lụng nuôi con học đại học. Với những gia đình ở thành phố, đó là chuyện đua nhau cho con đi học thêm tới nỗi trẻ con thành những cái máy học và lơ ngơ giữa cuộc đời.

Tuy nhiên một điểm đáng tiếc nhất của chương trình Giai điệu tự hào “Bé bé bằng bông” là chương trình nói về trẻ em, bàn về trẻ em nhưng lại hoàn toàn thiếu tiếng nói của trẻ em. Giá như êkíp sản xuất chương trình mạnh dạn dành hơn một nửa số ghế hội đồng bình luận trẻ cho các nhà bình luận nhí, ở nhiều lứa tuổi, xuất thân cả từ thành thị lẫn nông thôn thì khán giả mới được lắng nghe những tiếng nói trung thực và chính xác nhất từ suy nghĩ của trẻ em hôm nay. Còn với cách làm như số phát sóng vừa qua, vẫn chỉ là tiếng nói một chiều từ những suy nghĩ của người lớn về trẻ em mà thôi.

Không chỉ là chuyện của những ca khúc, thông qua “Bé bé bằng bông”, điều lớn nhất khán giả nhận được không chỉ là mảng ký ức về những ca khúc mãi xanh mà còn là những suy nghĩ nghiêm túc về cách cả xã hội đang giáo dục trẻ em như thế nào, và đó cũng chính là cách chúng ta đang tạo dựng tương lai.