Cuối cùng thì con ba ba khổng lồ cũng được chính quyền giữ lại và đem lên tỉnh để mọi người đến thăm quan với giá vé 200 đồng một lượt (năm 1993). Những người bắt được sau nhiều lần đòi hỏi quyền lợi cũng được hỗ trợ 10 triệu đồng.
Mọi chuyện tưởng chừng chẳng có gì đáng nói nhưng ngay sau đó cả 6 người đã vây bắt con ba ba nặng 100kg khi ra đường ai gặp cũng đều tránh xa như sợ một điều gì ghê gớm lắm. Bên cạnh đó là những lời đồn thổi về việc thủy tề sẽ nổi giận trừng phạt vì đã bắt “con” của ngài làm cho mọi người vô cùng hoang mang, lo lắng.
Khu vực đầm Quỳnh Lâm trước đây.
“Linh vật” báo oán!?
Nếu theo nghiên cứu của các nhà sinh vật học, trung bình mỗi năm ba ba sinh trưởng được khoảng 0,3kg thì con ba ba khổng lồ này đã sống trên 300 năm. Thời gian sau, người dân sống quanh khu vực đầm Quỳnh Lâm còn khẳng định rằng đã tận mắt nhìn thấy một con ba ba khác cũng to như vậy nửa đêm thở phì phò, di chuyển như trâu mộng, vạt cả lau sậy rồi tiến ra phía cửa lạch Ba Chạc thoát xuống sông Đà.
Chắc đó là một đôi đã sống lâu đời ở đây, nay một con bị bắt đi nên con còn lại bỏ đi. Chỉ sợ sau đó là những điềm xấu, những điều không hay sẽ đến với dân làng khi linh vật không còn nữa.
Trở lại địa phương nơi người dân đã bắt được con ba ba khổng lồ này, dù đã mấy chục năm trôi qua nhưng mọi người vẫn ngại nhắc đến chuyện đó. Mọi người cho rằng những người đã tham gia bắt ba ba trước đây bị báo oán nên cuộc sống cũng chẳng ra gì!?
Đầu tiên là trường hợp của anh Nguyễn Văn Xứng, người đã bị ba ba cắn. Cho dù cuộc sống không may mắn nhưng người ta cho rằng anh Xứng là người bị nặng nhất. Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Thanh, 75 tuổi (mẹ anh Xứng) thì: “Hôm đó, Xứng vừa mới xuất ngũ về, không có việc làm nên theo các anh trong xóm đưa đi làm công ở bên thủy sản. Đến trưa, Xứng về lấy chão kéo cày của bố đi nhưng chẳng nói là để làm gì. Sáng sớm hôm sau thì thấy máu mê nhễ nhại ở tay Xứng, vợ chồng tôi phải mang ra trạm xá xã để khâu gần 10 mũi. Hỏi chuyện mới biết con bị ba ba cắn. Nhưng không ai nghĩ nó lại to đến thế”.
Bà Nguyễn Thị Thanh - mẹ anh Xứng kể lại câu chuyện.
Sau đó, trong một lần trèo cây thị, Xứng bị ngã cắm đầu xuống đất, tuy không bị gẫy chân tay nhưng người trở thành ngơ ngẩn. Vài năm sau, ông bà cưới vợ cho Xứng, nhưng khi vừa sinh được cô con gái đầu lòng vài tháng thì Xứng phát bệnh rồi mất. Cũng chẳng biết thực hư câu chuyện thế nào nhưng mọi người lại cho rằng vì Xứng tham gia bắt ba ba nên bị “linh vật” báo oán bắt đi.
“Khi nó mất, con gái nó mới được 3 tháng phải đưa về bên ngoại nuôi hơn 1 tuổi mới cho về. Ngày giỗ đầu, đứa trẻ cứ khóc ngằn ngặt ai dỗ thế nào cũng không chịu nín, tay cứ chỉ về hướng bàn thờ. Mãi tới khi mọi người rót rượu để bàn thờ người đã khuất (phong tục của người Mường là ngày giỗ mỗi người rót vài giọt rượu cho người đã khuất – PV), thì đứa bé mới chịu nín”, ông Nguyễn Văn Mến (78 tuổi, bố của anh Xứng) buồn bã kể lại.
Bây giờ, con gái anh Xứng cũng đã 17 tuổi, hiện đang học lớp 11. Tuy nhiên, trong gia đình anh Xứng chẳng ai tin điều đó, họ cho rằng việc anh mất sớm là do số phận hẩm hưu. Chỉ tội vợ con anh, vợ thì sớm góa bụa, con gái mồ côi cha từ nhỏ.
Trường hợp kế tiếp là anh Nguyễn Văn Quang, khi hỏi về chuyện bắt ba ba năm xưa đến giờ anh vẫn còn cảm thấy sợ hãi: “Thời gian đã quá lâu nên tôi chẳng còn nhớ gì nữa”. Thực tế, theo mọi người thì anh ngại nhắc lại chuyện trước đây bởi trong quá trình bắt ba ba, do mệt quá mà anh ngủ thiếp đi, bỗng con ba ba trồi dậy, thở phì một cái hệt như con trâu mộng thở khiến anh Quang sợ mất vía, ốm mất mấy tháng. Ai nhắc đến chuyện ba ba, anh đều ôm đầu sợ hãi, gia đình phải nhờ thầy về cúng vía hàng tháng trời mới khỏi. “Từ đó đến nay, anh ấy cũng không được nhanh nhẹn, hoạt bát như trước đây nữa”, một người hàng xóm cho biết.
Về trường hợp một người từng bắt ba ba sau đó phải bỏ quê hương mà đi, mọi người cho biết: “Người đó không tham gia nhóm 6 người bắt con ba ba 100kg năm ấy, mà đó là ông Học, ở xóm Lau Nghĩa cũng thuộc xã Dân Chủ, đã bắt được một con ba ba nhỏ hơn, khoảng trên 80kg, trong lúc đi câu cá quả.
Sau đó, có một doanh nhân dưới Hà Nội mang cả bao tải tiền lên định mua nhưng khi lên đến nơi thấy con ba ba hình dạng khổng lồ quá lại không dám mua. Cuối cùng, có người bên đông y đến mua để nấu cao, tính ra số tiền lúc đó bằng cả cây vàng. Giờ chẳng ai biết ông Học ở đâu, có người bảo ông vào Nam sinh sống, cũng có người nói ông đã lên vùng Tây Bắc sống ẩn dật, hàng chục năm nay không thấy trở về.
Chỉ là do quá lo sợ
Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Nở - đội trưởng đội làm công năm xưa và cũng là 1 trong 6 người tham gia bắt con ba ba khổng lồ 100kg khi anh vừa đi làm về. Kể về câu chuyện trước đây, anh vui vẻ cho biết: “Số tiền 10 triệu đồng anh em chia ra mỗi người cũng chỉ được hơn 1 triệu nhưng được trả làm 3 lần nên cũng chẳng làm được việc gì”.
Nói về lời đồn thổi về linh vật báo oán, anh chỉ cười mà rằng: “Thì anh thấy đấy tôi vẫn khỏe mạnh bình thường, con cháu đề huề có làm sao đâu. Chẳng qua cũng chỉ là lời đồn thổi của mọi người”. Thế nhưng người vợ của anh Nở ngồi phía sau thì lại quả quyết: “Hồi đó, sợ lắm chú à, nhà tôi đi ra đường ai thấy cũng tránh không dám gặp. Có người bảo thôi được tiền rồi thì ăn cho hết đi, thế là chẳng dám mua cái gì”.
Anh Nguyễn Văn Nở kể lại sự việc.
Ông Nguyễn Văn Thức – Trưởng xóm Chăm Mát cho biết: “Đúng là 6 thanh niên ngày ấy bắt được con ba ba khổng lồ. Sau đó, tôi đi đâu cũng có người hỏi có phải 6 người đó bị “linh vật” báo oán và họ nghĩ ra nhiều câu chuyện để thêu dệt. Nay có nhà báo về tôi xin khẳng định đó cũng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, có những số phận không may như anh Xứng, anh Quang, anh Học, chứ sự thật không như lời đồn đoán bấy lâu nay của mọi người”.
Trưởng thôn Nguyễn Văn Thức.
Trong áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường cũng có đoạn kể: Một hôm Lang Đá Cần, vị Lang đầu tiên cai quản đất Mường đi bẫy và bắt được một con rùa. Con rùa van nài Lang đừng giết thịt, bù lại rùa mách bảo cho cách làm nhà sàn.
Rùa dạy: “Bốn chân tôi là bốn cột cái/Hai mai tôi là hai mái nhà/Xương sống tôi là đòn nóc/Chặt cây lim làm cột/Lạt buộc bằng cây giang/Cỏ gianh dùng để lợp”. Câu chuyện này được coi như một điển tích về sự ra đời nhà sàn của người Mường. Hình ảnh con rùa cho đến nay không chỉ là con vật linh thiêng được người Mường tôn thờ mà còn sáng tạo ra một cách tính ngày tốt, giờ tốt gọi là phương pháp “trừ đá Rò” (Rò ở đây được hiểu là Rùa).