Khảo sát của phóng viên ở khu vực TP.HCM cho thấy, nhiều hộ nuôi sâu gạo tỏ ra rất ngạc nhiên khi được hỏi có biết quy định cấm nuôi sâu gạo của Cục Bảo vệ thực vật vừa ban hành. Chị Nguyễn Thị Thu Hoài – chủ lò cung cấp giống sâu gạo ở quận 7, tỏ ra rất bất ngờ: “Tôi có biết gì đâu, chưa thấy các cơ quan chức năng thành phố đến thông báo quyết định này”.
Sâu gạo nuôi tại cơ sở của anh Nguyễn Văn Thẳng tại ấp 1, xã Tân Nhựt, Bình Chánh.
Theo chị Hoài, mỗi tháng chị cung cấp hơn 500kg giống sâu gạo cho các lò nuôi ở khắp các tỉnh phía Nam. Về quyết định cấm nuôi sâu gạo, chị Hoài cho biết quan điểm cho rằng sâu gạo là loại côn trùng ăn tạp, phàm ăn, có nguy cơ gây hại cho sản xuất nông nghiệp có thể quá vội vàng vì thực tế sâu gạo sẽ chết ngay khi ra môi trường tự nhiên không phù hợp (?!).
Anh Trần Thanh Nhân – một hộ nuôi sâu gạo tại xã Tân Nhựt, Bình Chánh cho biết thêm, việc nuôi sâu gạo lâu nay như nuôi… con gà, con vịt. Chẳng ai quan tâm đến việc đi đăng ký nuôi sâu gạo với chính quyền. Và mặc nhiên, chính quyền cũng chẳng kiểm tra chuồng trại ra sao. “Tôi nuôi sâu gạo đã 3 năm nay. Khi nuôi, tôi chẳng đăng ký với ai” - anh Nhân nói.
Theo khảo sát của phóng viên, hiện tại một số quận, huyện thành phố như quận 2, quận 7, Nhà Bè, Củ Chi… có một số hộ nuôi sâu gạo từ vài năm nay. Riêng huyện Bình Chánh có hơn chục hộ đang nuôi sâu gạo. Tại huyện Củ Chi có hộ mỗi ngày bán ra thị trường cả 1.000 lon sâu.
Theo chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật, các chi cục phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu gạo, đồng thời phối hợp các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân. Ông Nguyễn Văn Đức Tiến – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM cho biết, sắp tới chi cục sẽ cho kiểm tra lại việc người dân thành phố có nuôi sâu gạo hay không, nếu phát hiện có việc nuôi loài này sẽ tiến hành xử lý và xử phạt...