Những hàng cau cảnh, xà cừ, sao đen, phi lao... xếp dọc, ngang thẳng tắp như những đội tiêu binh, kiêu hãnh vươn cành khoe màu xanh biếc. Đây đó những thảm cỏ mịn màng, xanh rì được chăm tỉa cẩn thận. Vườn rau muống, mồng tơi, gia vị... cũng xanh rờn.
Trò chuyện với chúng tôi, thượng tá chỉ huy trưởng Huỳnh Phước Lượng tâm sự: "Đơn vị về đây đã tròm trèm 5 năm. Ngày đầu tiếp quản, nhìn những dãy nhà khang trang, kiên cố, tường thơm mùi vôi, ai cũng thích. Nhưng cứ sáng sáng ngó ra ngoài lại cảm thấy... khô khát. Góc nào cũng gặp khoảng đất trống gồ ghề, cỏ cây hoang dại lưa thưa, nắng thì bụi, mưa đất lấm lem theo vào từng phòng ở, phòng làm việc".
"Công viên xanh” của Phân đội 2 ngày càng rực rỡ. |
Xây dựng, cải tạo cảnh quan môi trường trở thành một đòi hỏi bức thiết. Nhưng phải làm thế nào cho tương xứng với doanh trại chính quy? Sau khi bàn bạc, cân nhắc kỹ lưỡng, phương án được nhất trí cao là ưu tiên những nội dung thiết thân với đời sống chiến sĩ. San ủi mặt bằng, cải tạo đất quy hoạch vườn tăng gia, đào, khoan giếng để giải quyết nỗi lo thiếu nước, đổ bê tông sân chào cờ, sân bóng chuyền được đưa vào những việc “cần làm ngay”.
Chỉ sau một thời gian ngắn, rau xanh đã được đưa vào bếp ăn hàng ngày. Sau giờ lên lớp, cán bộ, học viên có sân bóng chuyền tập luyện. Lấy ngắn nuôi dài, năm thứ hai đơn vị đầu tư làm tiếp khuôn viên nhà chỉ huy Phân đội, các đại đội trực thuộc, khu giảng đường, nhà ăn, nhà bếp, đúc 4 pa-nô lớn bằng bê tông. Khi làn sóng xanh-sạch-đẹp ngấm vào từng quân nhân, mỗi người tự nguyện đóng góp mỗi năm một cây xanh, màu xanh cứ thế nhân lên mãi.
Để cơ ngơi được bảo tồn và phát triển, Phân đội "giao đất, giao vườn" cho từng đầu mối trực thuộc, đưa vào chấm điểm thi đua. Không muốn bị tụt hậu, đơn vị nào cũng tự giác tưới, nhổ cỏ, bỏ phân, cắt tỉa cành, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh... làm cho "công viên xanh" ngày càng rực rỡ.
Đỗ Thị Ngọc Diệp