Dân Việt

Dạy nghề cho người khuyết tật: Vừa yếu vừa thiếu

10/04/2011 21:36 GMT+7
(Dân Việt) - Để người khuyết tật không là gánh nặng của gia đình và xã hội thì dạy nghề cho họ là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cơ hội để người khuyết tật tiếp cận với cơ sở dạy nghề là rất khó khăn .

Khó khăn chồng chất khó khăn

Ngô Bảo Lâm, quê ở Nam Định, năm nay đã hơn 30 tuổi bị thiểu năng trí tuệ. Cách đây hơn 5 năm, Lâm được đưa vào Trung tâm Phúc Tuệ (Hà Nội) với tình trạng bệnh khá nặng. Vào trung tâm, Lâm vừa được chữa bệnh, vừa được dạy nghề chăm sóc cây thuốc Nam. Sau gần 5 năm, giờ sức khoẻ và trí tuệ của Lâm đã khá hơn. Anh đã tự tin vì được làm việc, có chút thu nhập.

img
Người khuyết tật học nghề ở Trung tâm Phúc Tuệ.

Bà Vũ Thị Minh Hương – Giám đốc Trung tâm Phúc Tuệ tâm sự: “Thực tế, ngay cả những người khuyết tật về trí não cũng có thể làm được nghề, và làm tốt. Nhất là những nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ. Trung tâm chúng tôi đã tiếp nhận hàng trăm người khuyết tật dạng đó. Đa phần các em khi được đưa vào trung tâm đều mắc bệnh khá nặng, tinh thần và thể chất rất yếu, nhưng khi được học nghề, họ vẫn học và làm việc rất chăm chỉ”.

Tuy nhiên, dù rất tâm huyết nhưng bà Minh Hương nhiều lúc cũng nản vì việc dạy nghề cho đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, những sản phẩm do người khuyết tật làm ra đang mắc ở khâu tiêu thụ khiến hoạt động dạy nghề gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Minh Hương nói: “Hiện nay, các sản phẩm do người khuyết tật làm ra rất khó bán vì chúng tôi không có cách tiếp thị. Hơn nữa, sản phẩm họ làm ra cũng đơn giản nên khó cạnh tranh, hầu như chỉ dùng để tặng các nhà hảo tâm đến thăm trung tâm”.

Về vấn đề cạnh tranh, bà Hương nhấn mạnh, đối với những người khuyết tật, thời gian để làm ra một sản phẩm lâu hơn những người bình thường rất nhiều, nên khó cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Bên cạnh đó, ngoài việc học nghề người khuyết tật còn phải học văn hoá, nên số lượng sản phẩm không nhiều, không đáp ứng được nhu cầu của những cửa hàng nhận bán sản phẩm cho người khuyết tật.

Hỗ trợ còn hời hợt

Theo Điều 63, mục 3, chương 3, Luật Giáo dục năm 2005, Nhà nước ưu tiên bố trí giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị và ngân sách cho các trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật do nhà nước thành lập; có chính sách ưu đãi đối với trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật do tổ chức, cá nhân thành lập.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trung tâm dạy nghề cho trẻ tàn tật, khuyết tật vẫn đang phải tự lo gần như toàn bộ kinh phí hoạt động. Bà Vũ Thị Minh Hương cho biết: “Cách đây 5 năm, Sở LĐTBXH Hà Nội có cấp cho chúng tôi 20 triệu đồng để phát triển dạy nghề cho các em bị khuyết tật. Nhưng sau đó, trung tâm phải tự “bơi” mà không có bất cứ sự hỗ trợ nào về chính sách, như hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ mặt bằng tổ chức sản xuất…”.

Về hỗ trợ người tàn tật, Chính phủ đã ký Quyết định số 239/2006/QĐ-TTg triển khai Đề án hỗ trợ người tàn tật giai đoạn 2006-2010. Sau 5 năm thực hiện, đã có 49.245 người khuyết tật được học nghề, trong đó nữ chiếm khoảng 50,5%. Tuy nhiên, so với 5 triệu người tàn tật trong cả nước, con số này còn rất nhỏ...

Thầy Hoàng Quốc Phúc – giáo viên phụ trách Trung tâm Phúc Tuệ cơ sở 2 tâm sự: “Dạy nghề được coi là nhiệm vụ quan trọng giúp người khuyết tật hoà nhập với xã hội, có khả năng kiếm tiền để nuôi sống chính bản thân mình. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên các trung tâm vẫn chỉ dạy người khuyết tật những nghề đã cũ hoặc là không thể cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại trên thị trường như đồ thủ công mỹ nghệ, tranh tăm, trồng cây thuốc nam”. Việc dạy nghề cho người khuyết tật đã khó lại cộng với việc thiếu kinh phí nên lại càng khó thêm.

Ông Trần Quang Thanh – Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng: “Hiện Chính phủ đang triển khai Đề án 1956 dạy nghề cho lao động nông thôn. Người tàn tật là những người vừa thuộc diện lao động nông thôn, lại vừa là đối tượng lao động khó khăn. Do đó Đề án 1956 nên quy định cụ thể chế độ ưu đãi với nhóm đối tượng này, tạo điều kiện để người tàn tật có thể hòa nhập cộng đồng, đồng thời được làm việc có ích cho xã hội”.