Dân Việt

Quảng Ngãi: Nhà máy chê mía, nông dân héo hon

09/04/2011 15:52 GMT+7
(Dân Việt) - Cả ngàn hộ trồng mía ở Quảng Ngãi đang điêu đứng khi chứng kiến mía do mình trồng ra quá lứa thu hoạch 3-4 tháng và đang chết khô trên đồng.

Ông Tiêu Hay, một người trồng mía ở xã Hành Minh (huyện Nghĩa Hành), than thở: “Tôi có 5ha mía đến tuổi thu hoạch từ trước Tết Nguyên đán. Hơn 2 tháng qua, tôi đến trạm mua mía Nghĩa Hành (thuộc Nhà máy Đường Phổ Phong) đề nghị họ phát phiếu đốn và cho xe chở nhưng họ chỉ trả lời một câu: Nhà máy chưa có kế hoạch mua mía ở khu vực này. Vậy là 5 sào mía của tôi khô rụi hết”.

img
Diện tích mía chết khô trên đồng ở huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi).

Đây cũng là nỗi niềm của cả trăm nông dân trồng mía mà không bán được ở xã Hành Minh. Xã này còn hơn 50 ha mía quá lứa thu hoạch đang chờ chết trên đồng.

Ông Trương Đoan - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành, bức xúc: “Khi phát triển vùng nguyên liệu mía, đại diện Nhà máy Đường Phổ Phong hứa với bà con nông dân là sẽ mua mía kịp thời, tránh tình trạng mía bị ối nằm trên đồng, giảm chất lượng và năng suất. Thế nhưng, thực tế cho thấy nhà máy không giữ lời hứa với dân”.

Được biết, tình trạng mua mía nhỏ giọt không chỉ diễn ra với huyện Nghĩa Hành mà còn nhiều huyện khác ở tỉnh Quảng Ngãi, như huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Đức Phổ. Những nơi này còn đến 70.000 tấn mía cây chín rộ nhưng chưa thu họach.

Theo tìm hiểu của NTNN, tại những huyện này, vốn có đến 2 nhà máy đường là Nhà máy Đường Quảng Phú và Nhà máy Đường Phổ Phong. Thế nhưng, mấy tháng trước, do kinh doanh không hiệu quả, Nhà máy Đường Quảng Phú đã dời địa điểm lên Gia Lai. Cả vùng nguyên liệu rộng lớn này chỉ còn mỗi Nhà máy Đường Phổ Phong hoạt động.

Ông Hồ Văn Vân - Phó giám đốc Nhà máy Đường Phổ Phong, cho biết: “Nguyên nhân mua mía của nông dân chậm là do chúng tôi phải “cõng” thêm vùng nguyên liệu mía cùa Nhà máy Đường Quảng Phú dẫn đến quá tải”.

Theo ông Vân, mỗi ngày, Nhà máy Đường Phổ Phong hoạt động vượt công suất từ 200-300 tấn mía nguyên liệu nhưng vẫn không giải quyết kịp mía cho nông dân. “Chúng tôi không biết làm gì hơn vì công suất của nhà máy chỉ có giới hạn”- ông Vân nói.