Dân Việt

Đại học không phải là cánh cửa duy nhất

10/04/2011 21:33 GMT+7
(Dân Việt) - Mùa thi đại học đến gần, cuộc chạy đua của các thí sinh ở đoạn nước rút. Các trường tổ chức thi thử, các lò luyện thi cũng tổ chức thi thử. Học sinh chạy hộc hơi trong vòng xoáy của học thêm, luyện thi, thi thử, thi thật.

Sắp tới, sau đợt thi tốt nghiệp THPT, học sinh ở các vùng nông thôn lại kéo về thành phố, cắm đầu vào các lò luyện thi với mức học phí quá sức của những gia đình nghèo, chưa kể ăn ở nhà trọ, chi phí không nhỏ. Rồi tiếp theo là các đợt lai kinh ứng thí, nhiều gia đình phải bán bò bán heo, lo cho con thi.

Trước các kỳ thi đại học, các bậc phụ huynh cứ giục con cái đi thi. Trong lúc đó, điều cần quan tâm là tìm hiểu con mình có đủ sức thi đại học hay không, gia đình mình có đủ điều kiện tài chính để lo cho con học suốt 4 năm hay không? Không lượng sức mình, biết không thể thi đỗ nhưng vẫn cứ chơi trò may rủi thì tốn kém thời gian, vật chất không chỉ riêng cho người đi thi, mà cho cả xã hội.

Có nhiều gia đình nghèo, nhưng vẫn bắt con thi đại học năm này qua năm khác. Đúng ra, nếu thấy học lực của con cái hạn chế, chắc chắn không thể đỗ đại học, thì phụ huynh nên lựa chọn thi vào các trường có yêu cầu thấp hơn.

Đã đến lúc phải thay đổi nhận thức, đó là đại học không phải là con đường duy nhất để tiến thân lập nghiệp và đạt thành công trong cuộc đời con người. Hiện nay có nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề, cơ sở dạy nghề đào tạo rất tốt. Học viên tốt nghiệp trường nghề có việc làm và thu nhập ổn định.

Cha ông nói “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, trong xã hội có nhiều người nổi tiếng, thành đạt, giàu có nhờ có tay nghề giỏi, không cần phải có tấm bằng đại học. Chưa nói tới giàu có, có một cái nghề trong tay, ít nhất có một cuộc sống ổn định, tốt đẹp.

Thanh niên vùng nông thôn thất nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao, một trong những nguyên nhân là do thất học hoặc học hết THPT nhưng thi rớt đại học, đi lang thang, thầy không ra thầy, thợ chẳng ra thợ. Cuối cùng lại ra thành thị làm lao động phổ thông trong các nhà máy, lương ba đồng ba cọc, cuộc sống bế tắc. Cho nên, ngay từ ghế nhà trường, hãy tự lượng sức để định hướng tương lai, đại học không phải là cánh cửa vào đời duy nhất.