Dân Việt

Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014: Chờ đợi cách chấm thi mới

Tùng Anh 05/06/2014 07:17 GMT+7
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã kết thúc sáng 4.6 sau 2 môn thi cuối là ngoại ngữ và sinh học. Đây là kỳ thi đầu tiên Bộ GDĐT thực hiện việc đổi mới ở tất cả các khâu trong đó có việc ra đề thi. Nhiều học sinh đang chờ đợi vào một cách chấm thi đặc biệt “mới” từ Bộ.
Loay hoay với đổi mới đề thi

Tại họp báo chiều 4.6, Bộ GDĐT cho biết cả nước có 11 thí sinh bị đình chỉ thi (trong đó có 10 thí sinh ở trung tâm GDTX và 1 thí sinh THPT). Đây được coi là một bước tiến đáng kể khi ở kỳ thi năm 2013 số thí sinh bị đình chỉ là 49. Trong đó, đề thi được coi là yếu tố lớn nhằm giảm tiêu cực.

Cũng theo đánh giá của Bộ, đề thi năm nay đã tăng cường được các câu hỏi ở mức độ vận dụng, có tác động tích cực đến quá trình dạy học, từng bước khắc phục được tình trạng học tủ, mang tài liệu, dạy thêm học thêm. Đặc biệt ở đề thi các môn xã hội, vấn đề chủ quyền biển đảo được cập nhật đã có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc và ý thức của người trẻ.

Thí sinh trông chờ vào đáp án “mở” từ Bộ GDĐT.
Thí sinh trông chờ vào đáp án “mở” từ Bộ GDĐT.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, đề thi văn tuy hay nhưng đã “thoát xác” quá nhiều khỏi bài giảng khiến không ít học sinh và giáo viên bị “sốc”. Nhiều giáo viên cho rằng họ đang “dạy một đằng, thi một nẻo”. Mặt khác cả 3 đề thi xã hội có nhắc đến vấn đề thời sự nhưng chưa tính đến yếu tố vùng miền vì học sinh các khu vực nông thôn, miền núi và học sinh dân tộc thiểu số có khả năng tiếp cận các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế, việc cập nhật vấn đề thời sự không thể bằng học sinh thành phố.

Nói về đổi mới đề thi, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: “Năm nay “sốc” để năm sau không “sốc”, nó nằm trong lộ trình hoàn thiện đổi mới thi cử theo chỉ đạo của Chính phủ. Đổi mới kỳ thi năm nay là đúng hướng, đề thi, cách thi này sẽ tiếp cận được việc thực hiện thay đổi phương pháp dạy học mới trong chương trình phổ thông”.

Đối với môn văn, lãnh đạo Bộ cũng cho biết cho biết, mục tiêu của dạy văn là học sinh phải biết đọc, hiểu và viết luận. Ngữ liệu sử dụng có thể dùng trong và ngoài sách giáo khoa, nhưng đều yêu cầu thí sinh thể hiện được những năng lực, tránh cho học sinh không học vẹt và sẽ tiếp tục được thực hiện ở các năm sau.

Làm khác hướng dẫn vẫn có điểm

Với nhiều đổi mới trong kỳ thi này, đặc biệt ở đề thi, nhiều thí sinh trông chờ một barem chấm thi đặc biệt “mới” từ Bộ GDĐT.

Nói về chất lượng của kỳ thi năm nay, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, Bộ không đặt mục tiêu đỗ bao nhiêu phần trăm, đánh trượt bao nhiêu em, mà thi để kiểm tra chất lượng của thí sinh, từ đó tác động ngược lại đến quá trình dạy học. Đó mới là mục tiêu của kỳ thi này.

Khác với các năm trước, thời điểm này, Bộ GDĐT vẫn chưa công bố đáp án chính thức các môn thi tốt nghiệp. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm nay Bộ sẽ không có đáp án mà chỉ đưa ra hướng dẫn chấm thi tốt nghiệp: "Hướng dẫn chấm sẽ được Bộ GDĐT công bố sớm nhất, không làm ảnh hưởng đến việc chấm thi của các địa phương" – ông Hiển cho biết.

Với cách ra đề “mở” như vậy, ông Hiển cũng cho hay, chắc chắn hướng dẫn chấm thi không thể “đóng”: “Với những đề thi mở, thí sinh có thể làm theo những cách khác với hướng dẫn chấm này. Chỉ cần thí sinh có ý tưởng tốt, thể hiện được tư duy về ý tưởng này, bài thi không trái với thuần phong mỹ tục thì vẫn được tính điểm” – ông Hiển nói.

Cũng theo Bộ GDĐT, kết quả cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp năm nay còn nằm ở 50% điểm chấm học bạ. Để tránh các tiêu cực, các địa phương đã rất coi trọng việc thực hiện vấn đề này: “Chỉ cần một năm tiêu cực thì năm sau sẽ rất khó làm. Chính vì vậy, tuyệt đối năm nay phải rất nghiêm” – ông Hiển khẳng định.

TP.Hồ Chí Minh: Thí sinh được miễn lệ phíphúc khảo tốt nghiệp THPT


Theo dự kiến của Sở GDĐT TP.HCM, ngày 15.6 sẽ chính thức công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Năm nay, thí sinh (TS) tại TP.HCM cũng được miễn lệ phí phúc khảo tất cả các môn thi. Trao đổi với NTNN chiều 4.6, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GDĐT cho biết: “Sáng 5.6, Sở GDĐT sẽ chính thức khai mạc hội đồng chấm thi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Dự kiến, đến ngày 15.6 TP.HCM sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT. Ngay sau đó, từ ngày 15- 21.6, TS có thể nộp đơn xin chấm phúc khảo”.


Cũng theo ông Đạt: “Theo quy định của Bộ GDĐT, TS muốn phúc khảo sẽ phải nộp lệ phí chấm phúc khảo. Tuy nhiên, năm nay UBND TP.HCM quyết định TS tại TP.HCM sẽ được miễn nộp lệ phí khi xin phúc khảo. TS có thể xin phúc khảo không hạn chế số môn. Mẫu đơn phúc khảo TS có thể tải từ website của Sở GDĐT TP.HCM hoặc lấy tại trường mình đã học lớp 12. Sau đó nộp đơn phúc khảo tại trường THPT đã theo học lớp 12. Dự kiến, ngày 27.6 sẽ công bố điểm chấm phúc khảo”.
Quốc Hải


Đà Nẵng:Thí sinh lúng túng với môn thi ngoại ngữ


Sáng 4.6, tại Đà Nẵng, kết thúc môn thi ngoại ngữ, nhiều TS phản ánh, trong quá trình làm bài, các em khá lúng túng vì thời gian chuyển giao giữa phần thi trắc nghiệm với phần thi tự luận quá ít. Thêm vào đó, việc trong cùng một môn thi có 2 phần thi là khá vụn khiến TS không được thoải mái. TS Lê Uyên - học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, dự thi tại Hội đồng thi Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: “Em hơi lúng túng vì thời gian chuyển giao giữa phần thi trắc nghiệm và tự luận hơi ít 10 phút. Thời gian làm bài tự luận cũng ít hơn so với phần thi trắc nghiệm (tự luận 20 phút, trắc nghiệm 40 phút). Theo em, với 30 câu hỏi phần thi trắc nghiệm chỉ cần từ 15-20 phút là xong”. Cũng theo Uyên, đề thi năm nay dễ, trong đó phần trắc nghiệm rất dễ lấy điểm trên trung bình. Đề thi trắc nghiệm vừa kiểm tra kiến thức từ vựng, vừa kiểm tra kiến thức ngữ pháp. Thí sinh Nhật Thư dự thi môn tự chọn tiếng Nhật cũng cho rằng việc thay đổi trong môn ngoại ngữ năm nay khiến không ít TS lúng túng vì chưa quen với cách vừa làm xong phần thi trắc nghiệm đã phải chuyển qua làm bài tự luận.
Kim Oanh