Dân Việt

Tà Ẻn tuyên chiến với đói nghèo

Kiều Thiện 18/07/2013 06:36 GMT+7
Nằm dưới chân dãy núi Việt - Lào, bản Tà Ẻn (xã Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La) là nơi cư trú lâu đời của gần 100 hộ đồng bào Sinh Mun. Đất rộng, người thưa nhưng cũng phải vài năm gần đây bản mới có được gần chục hộ thoát nghèo...
Đói nghèo như định mệnh
Tiếp chúng tôi trong căn nhà lợp fibro xi măng ngay giữa bản, anh Vì Văn Hôm - Chi hội trưởng nông dân bản Tà Ẻn cho biết: Bản dựng lên ở vùng đất này từ rất lâu rồi. Đây là vùng cao, biên giới, thiếu nước sản xuất nhưng lại phù hợp với cách sống lạc hậu của người Sinh Mun trước đây, quen săn bắt, hái lượm… “Cũng bởi cái lẽ “lạc hậu chỉ đẻ ra lạc hậu” nên hầu hết những người ở độ tuổi từ 40 trở lên trong bản này đều thất học. Đói chữ thì tất nhiên là “đói” những tiến bộ xã hội và dẫn tới đói cơm, khát áo. Bởi thế dù những chính sách ưu đãi của Nhà nước về với người Sinh Mun ở Tà Ẻn không phải là ít nhưng dân nghèo… vẫn cứ hoàn nghèo” - anh Hôm lý giải.
Phát triển cây lương thực và kinh tế trang trại  là hướng xoá nghèo của người Sinh Mun ở Tà Ẻn.
Phát triển cây lương thực và kinh tế trang trại là hướng xoá nghèo của người Sinh Mun ở Tà Ẻn.

Trao đổi với Trưởng bản Vì Văn Thắm, được biết người Sinh Mun ở Tà Ẻn rất chịu khó làm ăn. Nếu cần đội nắng, đội mưa để làm ra hạt thóc, củ sắn... bà con cũng sẵn sàng. Nhưng người Tà Ẻn không biết tính toán ăn tiêu, mua sắm nên dù làm ra nhiều của cải, vật chất nhưng chưa hết vụ thu hoạch đã hết tiền. Vì vậy cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi.
Bứt phá vươn lên
“Nhận chức chi hội trưởng nông dân, tôi quyết tâm phá cái thế “100% số hộ nghèo” của bản. Tôi cùng cán bộ bản, già làng họp dân giải thích, vận động, đặt mục tiêu xoá nghèo rõ ràng. Mình đã nghèo thì không đặt mục tiêu cao, chỉ cần hộ này mỗi năm nuôi thêm vài con lợn, hộ kia khá hơn thì nuôi lấy con bò, con trâu; hộ nghèo hơn thì nuôi thêm ít gà, vịt, hoặc khai hoang thêm vài ngàn mét vuông đất trồng cây ăn quả, cây lương thực…” - anh Hôm bộc bạch.

Hộ này đua với hộ khác, lại bảo nhau những cách làm hay. Cứ thế dìu nhau mà tiến, chỉ sau 3 năm, trong bản đã có nhiều hộ thoát được nghèo.


Chị Vì Thị Phúc - vợ anh Hôm, kể: Khi bản xây dựng cái mục tiêu xoá nghèo đơn giản như vậy, ai cũng cười ồ lên vì nghe nó thông thường quá. Nhưng chỉ một thời gian sau mới thấy thật ra cũng chẳng dễ làm vì thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt. Khi đó cán bộ thú y, khuyến nông lại vào cuộc giúp dân. Các đoàn thể đứng ra làm nòng cốt xoá nghèo. Nhà tạm, nhà tranh tre lại được Nhà nước đầu tư xoá bỏ... Rồi hộ này đua với hộ khác, chỉ sau 3 năm, trong bản đã có nhiều hộ thoát được nghèo, có mấy hộ còn đạt mức giàu.
Trưởng bản Thắm cho biết thêm: Thực ra Tà Ẻn đã có nền tảng từ hàng chục ha đất trồng cây ăn quả như: Nhãn, bưởi, mận hậu. Nhưng do bà con chưa biết cách làm ăn, chi tiêu nên nghèo thôi. Từ khi bảo nhau cách tiết kiệm trong sinh hoạt, không đua đòi phi lý, lại nỗ lực làm theo những tiến bộ kỹ thuật nên cuộc sống thay đổi nhanh. Cái quan trọng là bản đã chủ động được lương thực. Cũng nhờ bứt phá vươn lên nên trẻ con trong bản bây giờ đều được đi học. Trong bản đã có mấy cháu học đến đại học rồi đấy. No ấm rồi, bảo nhau được nhiều cái hay, nhiều việc tốt hơn.