Dân Việt

Khánh Hòa: Thưởng tiền cho ai chỉ ra ăn xin

08/11/2010 14:09 GMT+7
(Dân Việt) - TP.Nha Trang thành lập đội chuyên trách để "gom" người lang thang. Tỉnh lập đường dây nóng, sẵn sàng thưởng 200.000 đồng cho ai cung cấp thông tin về người lang thang, xin ăn.

Tỉnh Khánh Hòa vừa có chỉ thị dẹp tình trạng người ăn xin, lang thang trên địa bàn bằng nhiều biện pháp “mạnh”. Theo lãnh đạo tỉnh, đây là biện pháp cần thiết để làm đẹp bộ mặt của tỉnh vốn có thế mạnh về du lịch.

Ngột ngạt vì... "cái bang"

Theo tìm hiểu của NTNN, các cơ quan tham mưu cho tỉnh ra chỉ thị này cho rằng, sử dụng các biện pháp “mạnh” để dẹp bỏ tình trạng người ăn xin, lang thang trên địa bàn là rất cần thiết bởi nó đã trở nên nhức nhối, làm xấu “gương mặt” Khánh Hòa.

Sở LĐ-TB&XH tỉnh này cho biết, hàng tháng có tới hơn 300 người lang thang, xin ăn được đưa về Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nhưng dù vậy đối tượng này vẫn gia tăng theo... cấp số nhân. "Cái bang" từ nhiều tỉnh, thành cứ ùn ùn đổ về Khánh Hòa để hành nghề, tập trung nhiều nhất là ở thành phố du lịch Nha Trang.

Để tránh bị gom, giới này ngụy trang dưới nhiều "gương mặt" khác nhau, mà nhiều nhất là bán hàng rong. Khi không có các cơ quan chức năng, họ đào “hầm” dưới cát để giấu hàng rồi đi xin tiền du khách.

Nhiều người đưa cả trẻ nhỏ đi "hành nghề", khi bị bắt là đưa trẻ em ra để làm khó lực lượng chức năng. “Cái bang” tập trung đông nhất ở các đình, chùa, những nơi có lễ hội. Tại mỗi đình, chùa luôn có hàng chục người "rải" kín mọi khoảng trống, để năn nỉ, ỉ ôi, để chèo kéo... làm phiền du khách - những đối tượng đem lại nguồn thu cho thành phố biển này.

Thưởng tiền cho người chỉ ra ăn xin

Tỉnh Khánh Hòa sẵn sàng chi tiền để thành lập thêm cơ sở (thuộc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh) tiếp nhận người lang thang, xin ăn. Thậm chí công an tỉnh này sẽ rà soát các đối tượng tạm trú, đồng thời tuyên truyền các chủ nhà trọ không được cho người xin ăn cư trú.

Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu cho UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo thực hiện một loạt biện pháp cứng rắn để loại người ăn xin, lang thang ra khỏi địa bàn. Trước nhất là gom đối tượng này lại để nuôi dưỡng, giáo dục dạy nghề, tổ chức lao động trong 1 tháng trước khi đưa về nơi cư trú.

Đối với đối tượng chây lười, cố tình xin ăn kiếm sống và đã bị tập trung quá 2 lần mà vẫn không bỏ "nghề" thì tập trung đến 90 ngày. TP.Nha Trang thành lập đội chuyên trách để "gom" người lang thang. Tỉnh lập đường dây nóng, sẵn sàng thưởng 200.000 đồng cho ai cung cấp thông tin về người lang thang, xin ăn.

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa rất tự tin trong việc thực hiện chỉ thị này. Trả lời NTNN, bà Trần Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa, khẳng định:

Việc giải quyết nạn lang thang, xin ăn là vấn đề xã hội nhạy cảm. Tỉnh yêu cầu tránh bắt bớ, cần phải tuyên truyền cho những đối tượng này rõ là nhà nước đang giúp đỡ, tạo điều kiện sống tốt hơn cho họ. Tỉnh sẽ thành lập hội đồng phân loại. Người già cả neo đơn, tàn tật sẽ được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội.

Những người bị bệnh sẽ chuyển đến bệnh viện để điều trị. Những người trong độ tuổi lao động sau khi phân loại sẽ trả về địa phương.

Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Hà Nội): Chỉ thị vi phạm luật

Thực tế có hiện tượng một số người có sức khoẻ, có điều kiện kinh tế nhưng không chịu lao động mà vẫn đi ăn xin. Tuy nhiên, đa phần những người vì không đủ khả năng tổ chức cuộc sống, do gặp phải thiên tai, bệnh tật nên họ phải nhờ vả sự cưu mang của xã hội, nhận bố thí của mọi người để sống. Vì thế đa phần người ăn xin là những người đáng thương, cần giúp đỡ của xã hội.

Muốn chấm dứt tình trạng ăn xin phải có giải pháp tổng thể, lâu dài, trong đó có trách nhiệm của chính quyền, chứ không thể bằng một quy định vô cảm, vi phạm pháp luật như của UBND tỉnh Khánh Hoà. Việc không cho phép họ hành nghề ăn xin để kiếm sống là vi phạm quyền được sống của con người đã được ghi trong Hiến pháp.

Hơn nữa, chưa có một văn bản nào quy định ăn xin là vi phạm pháp luật nên việc UBND tỉnh này muốn tập trung những người này lại trong 30 hay 90 ngày là hoàn toàn vi phạm pháp luật.

Việc không cho phép người hành nghề ăn xin thuê nhà trọ cũng vi phạm nghiêm trọng về quyền tự do cư trú được ghi trong Hiến pháp. Người ăn xin không vi phạm pháp luật thì họ được phép ở, được thuê trọ ở bất cứ đâu.

Mặt khác, khi một người có nhà thì họ có quyền cho bất cứ người nào ở nhờ hay thuê trọ nếu người đến ở đó không vi phạm pháp luật.