Dân Việt

Nhập khẩu hơn 60 triệu USD giống rau/năm

11/04/2011 19:51 GMT+7
(Dân Việt) - Theo thống kê của Bộ NNPTNT, cả nước hiện có hơn 1,1 triệu hecta trồng bắp, gần 1 triệu ha rau, màu các loại.

Với diện tích này, mỗi năm cần khoảng hơn 20.000 tấn ngô giống, hơn 12.000 tấn hạt giống rau các loại, không kể các loại rau sinh sản vô tính. Tuy nhiên, các công ty giống ngô trong nước chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn 40% nhu cầu, phần còn lại là thị phần của các công ty nước ngoài hoặc liên doanh. Các giống rau thì phải nhập gần 100% từ các loại như ớt, cà chua, bắp cải… Chi phí cho việc nhập khẩu giống rau hàng năm lên tới hơn 60 triệu USD.

img
Một giống mướp hương cao sản đang được Công ty Giống Cây trồng miền Nam trồng thử nghiệm.

Theo ông Ngô Văn Giáo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam, giống rau là mặt hàng mang lại lợi nhuận rất lớn cho doanh nghiệp vì có khối lượng nhỏ, giá trị lớn nhưng sản xuất cần có công nghệ cao. Tuy nhiên, công tác cũng như năng lực chọn tạo giống trong nước hiện nay còn rất yếu, các doanh nghiệp hầu hết đi nhập khẩu giống từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc… rồi về đóng gói lại, cung cấp cho nông dân.

img Con số 60 triệu USD để nhập giống rau hàng năm là quá lớn và cần phải chấn chỉnh, đổi mới ngay. Về lâu về dài, việc đầu tư nghiên cứu giống để tạo ra nguồn giống nội địa phong phú là điều tối cần thiết. img

Ông Giáo chia sẻ, một nền nông nghiệp bền vững là phải chủ động được từ đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm, trong đó, việc xây dựng ngành công nghiệp hạt giống tiên tiến cho nông dân là điều không thể bỏ qua. Tuy nhiên, hiện nay ngành công nghiệp này ở Việt Nam hầu như chưa có gì, việc sản xuất, cung ứng giống cây trồng chưa được quan tâm và tổ chức quản lý tốt.

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, (Viện KHNNMN), để làm ra giống tốt cần có nguồn gen tốt, năng suất cao và đầu tư lớn. Tuy nhiên hiện nay, đầu tư cho nghiên cứu nông nghiệp tại Việt Nam chỉ mới khoảng hơn 200 triệu USD/năm, trong đó, ngân sách cho Viện Lúa khoảng 1 triệu USD, Viện KHNNMN cũng chỉ chưa được 2 triệu USD/năm.

“Ngoài lý do ngân sách hạn hẹp thì cái khó của ngành giống hiện nay là công nghệ xử lý sau thu hoạch còn quá yếu. Hạt giống mà không được xử lý tốt sẽ mất sức nảy mầm ngay, lúc đó coi như bỏ!” - ông Bửu cho biết.