Cao Bằng được coi là địa phương có nhiều nguồn dược liệu quý nhất và được khai thác nhiều nhất. Tuy nhiên, đây cũng là địa phương có nguồn thần dược “chảy máu” nhiều nhất.
Tập kết dược liệu quý ở Thạch An (Cao Bằng) để xuất sang Trung Quốc. |
Xót xa thần dược
Cách thị xã Cao Bằng khoảng 40km, sau 2 giờ xe chạy qua những cung đường uốn lượn, chúng tôi có mặt ở xã Đức Xuân (huyện Thạch An, Cao Bằng). Là xã miền núi nhưng Đức Xuân hiện ra với sự ồn ào đến lạ. Tiếng Tày xen lẫn tiếng Kinh trong cái hối hả của những dòng người mang vác các loại dược liệu xuống núi bán cho lái buôn.
Đi cùng chúng tôi có bác sĩ Đàm Thị Phượng -Trạm trưởng Trạm y tế xã Đức Xuân. Chứng kiến các loại dược liệu, thuốc quý chảy máu khỏi địa phương, bác sĩ Phượng thở dài ngao ngán: Các anh nhìn xem, cây thuốc quý vùng cao đang bị tận diệt đến những nhánh cuối cùng để bắt đầu cuộc hành trình sang Trung Quốc với mức giá rẻ mạt.
Chỉ tay về những chiếc ô tô đang gom hàng từ người dân, bác sĩ Phượng khẳng định: Trung bình mỗi năm hàng trăm tấn dược liệu quý đã rời bỏ mảnh đất này .
Theo quan sát của chúng tôi, nhiều nhóm người đang bộn bề với công việc khuân vác, cân đếm rồi tỏa đi tứ phía. Bà Nông Thị Ca (53 tuổi, thôn Nà Pá, Đức Xuân), một người có thâm niên "đánh" thuốc quý có tiếng qua Trung Quốc giãi bày: "Ngày xưa tôi có biết cây gì là thuốc và loại nào là quý đâu. Nhân một lần sang Trung Quốc chơi, bất ngờ thấy họ đưa ra mấy loại cây mẫu rồi ứng tiền cho tôi về thu gom. Không ngờ về có thật, mà nhiều nữa là đằng khác". Và cứ thế, suốt 10 năm qua, gia đình bà Ca phất lên nhờ thu gom cây thuốc quý từ rừng núi đất nhà.
Cũng theo bà Nông Thị Ca, trung bình mỗi năm, riêng đầu gom của bà cũng "xuất khẩu" trên 10 tấn dược liệu quý tự nhiên, như: Kê huyết đằng, na rừng, chè rừng, giảo cổ lam, thổ phục linh… với mức giá chỉ vài nghìn đồng/kg.
Theo cách tính toán đậm chất "bản địa" thì mỗi kg thu gom được, người dân sẽ được trả một tờ "đỏ" (tờ 500 đồng - PV), và sau khi các đầu lậu đánh hàng giao tận tay lái buôn người Trung Quốc, mỗi kg dược liệu sẽ có giá là một tờ "xanh" mệnh giá 5.000 đồng. Tuy nhiên, đưa các loại cây này sang bên kia biên giới để dùng vào việc gì, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu của cả người dân và thương lái.
Rễ đắt hơn thân
Biết chúng tôi đang cố tìm hiểu công dụng của các loài dược liệu đang chềnh ềnh trên những chiếc xe tải đầu thôn, lương y Đinh Văn Hùng, người được biết đến như một "thần y" của vùng nói: "Không hiểu sao, khoảng một thập niên trở lại đây, Trung Quốc lấy rất nhiều loại dược liệu, có những loại liên tục được các lái bên đó nâng giá. Nhiều loại rễ cây còn đắt hơn cả thân".
Theo cách lý giải của lương y Hùng, đa số các cây thuốc được xuất sang Trung Quốc ở xã Đức Xuân đều có nhiều công dụng đặc biệt cho các loại bệnh như sỏi thận, đường ruột, sốt rét, giảm đau, bổ huyết,… Thậm chí, có loại còn điều trị các bệnh nan y như cây kê huyết đằng chẳng hạn. Là một người gắn bó với cây thuốc gần 30 năm nay, ông Hùng cảm thấy đau xót khi nhìn những cây thuốc địa phương đang lũ lượt kéo nhau qua biên giới.
Giật mình trước tình trạng "xuất khẩu" tràn lan cây thuốc quý ở xã Đức Xuân, chúng tôi quay lại thị xã Cao Bằng, tìm gặp thầy thuốc Hoàng Văn Bé - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Cao Bằng.
Ông Bé cho biết: "Từ những năm 1970 về trước, cây thuốc hoang dã của Cao Bằng được khai thác bán về các tỉnh miền xuôi. Nhưng từ năm 1980 đến nay, cây thuốc quý được bán sang Trung Quốc một cách tràn lan. Không chỉ mình huyện Thạch An xảy ra tình trạng này mà nhiều huyện khác như Phục Hòa, Hà Quảng cũng có tình trạng tương tự.
Trung bình mỗi huyện có từ 5 - 10 điểm thu mua quy mô lớn và nhiều điểm thu mua nhỏ lẻ đi đến các làng bản. Hầu như các cây, con làm thuốc đều bị thu mua. Giai đoạn đầu diễn ra với quy mô nhỏ để mua các loại dược liệu: Sa nhân, bảy lá một hoa, ô dầu phụ tử, kim anh, tam thất,… Sau đó, thu mua ồ ạt các loại cây với khối lượng lớn".
"Các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp ngăn chặn tình trạng này, khi còn chưa muộn" - thầy thuốc Hoàng Văn Bé mong mỏi.
(Còn nữa)
Thắng Quang