Có ý kiến cho rằng, việc quy định cơ cấu trong bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và HĐND hiện nay khiến những người tự ứng cử rất khó trúng cử. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Việc cơ cấu cũng là cần thiết. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ta do nhân dân ủy quyền. Vì thế, trong Quốc hội phải có người đại diện cho các giai tầng, các nhóm xã hội, các vùng miền.
Ông Lê Truyền. Ảnh: Vnexpress |
Tuy nhiên, theo tôi trong mỗi cơ cấu đó nên để giới thiệu số lượng ứng cử nhiều hơn số lượng cần có để qua những lần hội nghị hiệp thương có điều kiện chọn lựa người đủ tiêu chuẩn nhất… Thực tế là theo cách làm hiện nay còn nặng về cơ cấu nên người tự ứng cử khó trúng cử.
Theo tôi, vấn đề quan trọng là cụ thể các tiêu chuẩn về năng lực, khả năng của một đại biểu mới là cần thiết. Ví như năng lực tham gia xây dựng luật; khả năng tiếp xúc với cử tri, biết nắm bắt tâm tư nguyện vọng và những kiến nghị của cử tri để phản ánh; có bản lĩnh, phương pháp khi chất vấn…
Việc lấy ý kiến của các đại biểu có nơi sử dụng hình thức biểu quyết bằng tay mà không bỏ phiếu kín nên nhiều người giơ tay theo phong trào. Ông nhận định gì về vấn đề này?
- Việc lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú và nơi công tác (nếu có) là rất quan trọng. Còn biểu thị sự tín nhiệm của cử tri bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín là do hội nghị quyết định. Vấn đề quan trọng là ở những cuộc lấy ý kiến cử tri cần được mở rộng; động viên hướng dẫn cử tri nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng suốt, trên tinh thần dân chủ và xây dựng để nhận xét người ứng cử càng cụ thể càng tốt.
Theo tôi, các cuộc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi làm việc cũng như ở các hội nghị hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử ĐBQH và HĐND… đều nên dùng hình thức bỏ phiếu kín, tạo điều kiện cho chính kiến độc lập của mỗi người được thể hiện sẽ khách quan hơn.
Là người tự ứng cử ĐBQH khóa XIII, ông có tự tin mình sẽ trúng cử?
- Với xu hướng ngày càng đòi hỏi dân chủ ở các cuộc bầu cử và trong xã hội, tôi tự ứng cử là việc làm cần thiết. Tôi tự ứng cử, mọi việc đều phải tự làm nên có thể thấy được mọi thuận lợi, khó khăn, sự rộng mở hay các rào cản thủ tục của người tự ứng cử; được nghe rất nhiều ý kiến khác nhau của gia đình, bạn bè, đồng chí thân hữu… Tôi rất tự tin ra ứng cử ĐBQH, dù trúng cử hay không tôi đều thu hoạch được những điều bổ ích trong công tác tiếp theo.
Ông Lê Truyền
Trước đợt bầu cử, kỳ họp Quốc hội và HĐND khoá tới, ông có ý kiến gửi gắm gì tới kỳ họp nay?
- Một xu hướng dân chủ, đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa XII thể hiện sức làm việc, trí tuệ, bản lĩnh của nhiều ĐBQH đã được nhân dân nghi nhận, hoan nghênh, tin tưởng. Những việc đổi mới và dân chủ còn đặt ra với yêu cầu ngày càng cao. Sự quan tâm của nhân dân đối với các kỳ họp, các hoạt động của Quốc hội ngày càng nhiều hơn. Sự tham gia giám sát của Quốc hội được coi trọng hơn. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân sẽ nhiều hơn, cụ thể hơn...
Với những kết quả và kinh nghiệm của QH khóa XII để lại, tôi rất hy vọng và tin tưởng Quốc hội khóa XIII sẽ kế thừa và phát huy, tiếp tục đổi mới và dân chủ.
Xin cảm ơn ông!
Thanh Xuân (thực hiện)