Phân vân trước giờ G
Chuẩn bị kết thúc nộp hồ sơ thi ĐH-CĐ, nhiều học sinh vẫn lưỡng lự trong việc chọn trường. |
Chỉ còn mấy ngày nữa là hết hạn nộp hồ sơ dự thi ĐH - CĐ nhưng em Trần Khánh Trọng, học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Quế Sơn, Quảng Nam) vẫn còn khá nhiều thắc mắc rất… sơ đẳng muốn được giải đáp. Trọng hỏi: "Theo quy định, học sinh tại Quảng Nam thì thi tại cụm thi Quy Nhơn. Tuy nhiên, em lại muốn thi tại TP. Hồ Chí Minh không biết có được không?".
Tương tự, em Hồ Hiếu Lệ ở Phú Yên phải ra tận ĐH Đà Nẵng để hỏi thông tin vì em định thi năng khiếu vào Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Lệ cho biết, do em đang ở Phú Yên nên phải thi tại Quy Nhơn. Nhưng em lại được biết, thi năng khiếu thì phải thi tại trường mình đăng kí, em không biết cách ghi hồ sơ vào mục 14 như thế nào, cách tham gia dự thi ra sao nên phải ra đây để hỏi...
Hay như em Lê Minh Tuyền (Trường Ông Ích Khiêm, Hòa Vang, Đà Nẵng), đã hơn 1 lần được Ban tư vấn tuyển sinh nhà trường tư vấn, song em vẫn chưa hiểu hết về quy trình nộp hồ sơ dự thi. Theo em Tuyền, bố mẹ em có ý định hướng em thi khối A vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM nhưng em lo lắng bởi học lực mình chỉ đạt mức khá, sợ thi không đậu, và đến bây giờ em vẫn chưa biết phải nộp hồ sơ cho nhà trường hay tự mình gửi bằng đường bưu điện.
Đặc biệt, đối với các thí sinh tự do, vì ngại đến trường THPT để ôn tập cùng… đàn em trong khi kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới nên các em đã không định hướng được sẽ chọn gửi hồ sơ cho ai và như thế nào.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Việt, Trưởng phòng Đào tạo- Đại học Đà Nẵng, nhiều câu hỏi, thắc mắc rất đơn giản, như: Tôi là thí sinh tự do, tôi có thể nộp hồ sơ tại trường THPT tôi từng học không? Hay nhiều thí sinh đang là sinh viên của các trường ĐH, giờ muốn thi lại ĐH thì hỏi thủ tục và hồ sơ đăng ký thi có gì khác?...
Điều đáng chú ý hơn là năm nay, thắc mắc nhiều nhất là những thí sinh khi hỏi về việc thi vào trường quân sự nhưng lại đăng ký hệ dân sự.
"Trong cuốn "Những điều cần biết…" đã nêu rất rõ. Hơn nữa, Ban chỉ huy quân sự đều sẵn sàng giải đáp chi tiết về điều kiện, thủ tục đăng kí dự thi. Thế nhưng, đã đến thời điểm "nước rút" mà nhiều em gần như vẫn không tiếp cận được với điều này"- Tiến sĩ Việt nói.
Cần thông tin rõ ràng!
Một phụ huynh học sinh
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Việt cũng cho hay, khi nộp hồ sơ dự thi, khá nhiều thí sinh đã quan tâm ngay tới vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp. Thành ra nhà trường lại phải trở thành "tư vấn viên" bất đắc dĩ vào phút chót để trả lời các câu hỏi về việc làm.
Có em còn bày tỏ rằng là học sinh Quảng Nam nghèo khó nên mong muốn học xong tốt nghiệp ra trường là có việc làm ngay, mong các thầy cô hướng dẫn giúp hiện nay ngành nào được các nhà tuyển dụng cần.
Một số em e ngại về sự "phân biệt đối xử" giữa trường công và trường tư, chế độ cho học sinh nghèo. Trao đổi vấn đề này, đại diện Trường Đại học dân lập Duy Tân (Đà Nẵng) khẳng định, không hề có sự phân biệt giữa trường công và trường tư thục. Vấn đề quan trọng là năng lực của sinh viên tốt nghiệp ra sao, có đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng hay không. Còn chế độ chính sách cho học sinh nghèo vẫn được nhiều trường thực hiện trong thời gian qua.
Khi nộp hồ sơ dự thi, các em cũng e ngại "Đại học tỉnh lẻ". Em Lê Trinh (Tiểu La, Thăng Bình, Quảng Nam) bày tỏ: Em nộp hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Quảng Nam nhưng e ngại liệu bằng cấp của một trường ĐH ở tỉnh lẻ có cạnh tranh được với bằng cấp của các trường ĐH ở những thành phố lớn?
Đại diện Trường ĐH Quảng Nam cho biết: "Về mặt pháp lý, bằng cấp các trường ĐH có giá trị như nhau. Hơn nữa, nhà tuyển dụng thường quan tâm đến khả năng thực tế của học sinh hơn là bằng cấp".
Vũ Vân Anh