Ông Cầu bên ngôi biệt thự đang hoàn thiện. Ảnh: Cao Thuyên |
Ông Cầu từng làm đủ các nghề: Làm vườn, công nhân nhà máy nước đá, lò nấu đường... nhưng cũng chỉ đủ ăn. Năm 1995, sau khi tìm hiểu thị trường và kỹ thuật nuôi gà từ các thông tin trên báo, lớp học khuyến nông do Hội ND tổ chức, ông bắt tay thiết kế, xây chuồng trại nuôi gà trên đất vườn nhà.
Ông Cầu kể, sau mấy năm nuôi và đầu tư cho ND trong vùng nuôi gà gia công, năm 2003, khi dịch bệnh tràn lan toàn vùng, đàn gà của nhà ông cũng “dính”. Tính ra, cả gà nuôi tại nhà và gà giao cho 25 hộ nuôi gia công, ông phải tiêu huỷ hơn 50.000 con. Theo thời giá, gia đình ông mất khoảng 100 cây vàng...
"Sau trận dịch này, tôi xử lý chuồng trại phù hợp hơn, chọn giống gà kháng bệnh tốt hơn và tham khảo sách, báo, tài liệu liên quan đến các bệnh của gà... rồi tổ chức nuôi lại. Từ đó, đến nay, trại gà của gia đình tôi luôn bình yên. Riêng về gà thương phẩm, cứ 3 tháng lại xuất hơn 15.000 con. Bình quân, sau khi trừ chi phí đầu tư, công, mỗi năm lãi ròng khoảng 200 triệu đồng" - ông Cầu tiết lộ.
Chia sẻ kinh nhiệm nuôi gà, ông cho biết: Người chăn nuôi phải hết sức nghiêm ngặt với quy định về tiêm phòng dịch bệnh, cảnh giác cao với các nguồn lây lan bệnh... thì mới đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đàn gà.
Mặt khác, muốn gà có giá cao hơn và tiêu thụ bền vững thì sản phẩm gà phải sạch, luôn nói “không” với các loại thuốc, thực phẩm tăng trọng nhanh. Chính vì gà có chất lượng tốt, nên đến thời điểm xuất chuồng, gà từ trại nuôi của gia đình ông đều xuất bán hết cho các trung tâm giết mổ có uy tín tại Tp. Hồ Chí Minh.
Thắng lợi trọn vẹn trong 7 năm nuôi gà, mới đây, gia đình ông Cầu đã bỏ ra gần 2 tỷ đồng để xây dựng một ngôi biệt thự sang trọng. Ông tiết lộ, qua Tết Tân Mão này, gia đình ông sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi gà thương phẩm lên gấp đôi hiện nay.
Cao Thuyên