Dân Việt

Đồng bằng sông Cửu Long: Tôm sú chết trắng

11/04/2011 06:15 GMT+7
(Dân Việt) - Vụ nuôi tôm sú ở các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới bắt đầu từ giữa tháng 2, nhưng từ đầu tháng 3 đến nay tôm đã chết hàng loạt.

Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Sóc Trăng, đến nay đã có hơn 1.100ha tôm chết trong 14.000ha thả nuôi. Xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, từ đầu vụ đến nay có gần 500 hộ thả nuôi với diện tích 497ha, nhưng đã có 95 hộ bị thiệt hại nặng.

img
Nông dân tỉnh Sóc Trăng đang cải tạo lại ao nuôi do tôm sú chết.

Ông Lê Thanh Minh - chủ cơ sở bán thức ăn tôm ở xã Ngọc Tố, cho biết: “Cứ 10 người thả nuôi thì 5 người có tôm bị chết ít nhiều do dịch bệnh. Trước đây, với bệnh đốm trắng, ND có thể dùng thuốc trị được còn bây giờ tôm vẫn khỏe, nhưng gan bị teo lại, vô phương cứu chữa trị”.

Ông Nguyễn Văn Nhị, xã Ngọc Tố, vừa thả nuôi 100.000 con tôm sú giống. Mới hơn 1 tháng, tôm đã xuất hiện bệnh, chết hàng loạt. Ông Nhị buồn rầu: “Tôm đang khỏe mạnh nhưng bơi tấp vào bờ rồi chết. Hàng chục triệu đồng đầu tư cho vụ nuôi này coi như mất trắng...”.

Nhiều ND ở các địa phương khác, khi thấy tôm bị dịch bệnh đã ngưng thả để chờ qua dịch.

Người nuôi tôm ở Trà Vinh, Bến Tre... cũng đang đau đầu trước nạn tôm chết. Trước tình hình này, ngành nông nghiệp Trà Vinh đang tổ chức lấy mẫu gửi đi xét nghiệm, quan trắc môi trường nước và hướng dẫn người dân các biện pháp quản lý môi trường, xử lý nước nuôi...

Ông Nguyễn Việt Thành - Chủ tịch UBND xã Ngọc Tố cho biết: “Thời tiết thất thường như hiện nay, thả tôm giống sẽ gặp nhiều rủi ro. Chính quyền địa phương khuyến cáo bà con trong xã không nên thả trong thời điểm này”. Thạc sĩ Quách Thị Thanh Bình - Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Sóc Trăng cho biết: Chi cục kiểm tra, kết quả bước đầu cho thấy, tôm chết do thời tiết thay đổi quá đột ngột. Không chỉ tôm nuôi chết, mà nhiều trại sản xuất giống cũng bị thiệt hại do điều kiện thời tiết bất thường.

Để dập dịch, Sở NNPTNT Sóc Trăng đã cung cấp miễn phí hóa chất để người dân diệt mầm bệnh, không được thải nước thải ra kênh khi chưa xử lý thuốc. Diện tích có tôm chết phải vệ sinh sạch sẽ, không thả giống ngay.

Ngành nông nghiệp các địa phương vùng ĐBSCL đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn xuống tận địa bàn để theo dõi chặt tình hình, kịp thời hỗ trợ người dân, hạn chế thiệt hại thấp nhất đối với diện tích đã thả nuôi. Đối với những hộ chưa thả nuôi, khuyến cáo ND đợi khi thời tiết thuận lợi mới bắt đầu thả nuôi vụ mới.