Hạn hán gay gắt
Cát Tiên và Đạ Tẻh là hai vùng lúa trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng được đưa vào vị trí “đầu bảng” trong danh mục các huyện bị hạn hán hoành hành sớm trong năm nay.
Ngay từ đầu tháng Hai, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn hai huyện này đã xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường, hoặc hơn thế là đã “chạm” đến mực nước chết.
Tại Cát Tiên, mực nước của hai hồ thủy lợi lớn của huyện là Đắc Lô và Phước Trung hiện đã xuống thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 6m (hồ Đắc Lô) đến 9m (hồ Phước Trung), thấp hơn mực nước cùng kỳ năm 2010 từ 3,5m đến 9m.
Cùng đó, sông Đồng Nai chảy qua địa phận Cát Tiên cũng đã cạn kiệt (nhiều đoạn kiệt đến trơ đáy) khiến cho toàn bộ các trạm bơm thủy lợi của huyện Cát Tiên phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Do hạn hán, tính đến thời điểm này, vùng trọng điểm lúa Cát Tiên - - nơi có giống lúa OM 4900 làm nên thương hiệu “Gạo Cát Tiên” vừa được công nhận - đã có hơn 1.500/4.000ha lúa đông xuân đối mặt với nguy cơ chết khát.
Tương tự, tại vùng chuyên canh lúa An Nhơn thuộc huyện Đạ Tẻh cũng có đến hàng trăm hecta lúa cao sản đối mặt với khô khát bởi hồ Đạ Hàm kiệt nước.
Theo Phòng NNPTNT huyện Đạ Tẻh, nếu các hồ thủy lợi tiếp tục kiệt nước và tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài thì không chỉ và trăm hecta mà ở huyện lúa trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng này sẽ có hơn 1.100ha lúa (trong tổng số hơn 1.300ha cây trồng) bị chết khát.
Cứu lấy “cánh đồng vàng”
Một trong 5 mặt hàng nông sản của tỉnh Lâm Đồng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu độc quyền, tính cho đến lúc này, là “Gạo Cát Tiên”.
Theo kỹ sư Đào Duy Mai - Trưởng phòng NNPTNT Cát Tiên, hiện tại, từ diện tích 35ha chuyên sản xuất lúa giống chất lượng cao lúc đầu, đến nay, diện tích này của Cát Tiên đã được mở rộng lên 300ha, cho 1.800 tấn lúa giống có xác nhận chất lượng và nguồn gốc; trong đó đáng chú ý là giống lúa OM 4900 (80ha) vừa làm nên thương hiệu “Gạo Cát Tiên”.
Trong khi đó, tại huyện Đạ Tẻh, ngay từ năm 2007, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định phê duyệt quy hoạch vùng lúa chất lượng cao ở đây lên đến 1.600ha.
Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là hầu như năm nào huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh cũng phải đối mặt với hạn hán. Trong khi đó, giải quyết vấn đề này, năm nào cũng vậy, lãnh đạo Cát Tiên và Đạ Tẻh cũng đều “kêu” lên cấp trên về vấn đề thủy lợi và những giải pháp đưa ra để chống hạn cũng chỉ mang tính đối phó.
Phòng NNPTNT huyện Đạ Tẻh thường đưa ra dự báo trong mùa khô: Vùng lúa “ăn” nước hồ Đạ Hàm có từ 250 – 300ha bị thiếu nước; vùng lúa được tưới bởi công trình hồ Đạ Tẻh thiếu nước khoảng trên 100ha… Và, “cộng dồn”, Đạ Tẻh có hầu hết diện tích lúa đông xuân (1.100ha/1.300ha) bị thiếu nước trong mùa khô.
Quả là bất cập khi thương hiệu gạo Cát Tiên đã được công nhận và Đạ Tẻh đã xây dựng được vùng lúa chuyên canh nhưng điệp khúc “thiếu nước do khô hạn” luôn lặp đi lặp lại tại hai vùng trọng điểm lúa này của tỉnh Lâm Đồng!
Khắc Dũng