Bệnh nhân là Lu Văn S. (ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) nhập viện ngày 5-4 trong tình trạng rối loạn đông máu rất nặng, suy yếu chức năng gan, thận.
Nấm độc xanh đen này gây tử vong cho nhiều người ở miền núi phía Bắc. Ảnh: Internet. |
Được biết, vài giờ sau khi ăn canh nấu từ nấm do bệnh nhân tự hái trong vườn, bệnh nhân và mẹ đều bị đau bụng, nôn nhiều, kèm tiêu chảy. Cả hai được đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng mẹ tử vong một ngày sau đó. Bệnh nhân S. được chuyển tiếp lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) để điều trị...
Các bác sĩ Trung tâm Chống độc cho biết, nấm gây ra vụ ngộ độc này là loại độc nhất tên là nấm độc xanh đen (tên khoa học là Amanita phalloid). Loại nấm này là nguyên nhân của nhiều trường hợp ngộ độc và tử vong xảy ra hằng năm vào mùa xuân ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Hoà Bình, Tuyên Quang.
Có gia đình tất cả thành viên tử vong do ngộ độc nấm này. Trong nấm có một chất rất độc có tên là amatoxin, chất độc tế bào, gây tổn thương hầu hết cơ quan của cơ thể. Chất độc cũng bền vững với nhiệt độ cao nên không bị phân huỷ khi đun nấu và do đó vẫn gây ngộ độc.
Khi bị ngộ độc nấm, bệnh nhân cần được sơ cứu ngay bằng cách gây nôn cho bệnh nhân, tốt nhất trong vài giờ đầu và khi bệnh nhân còn tỉnh táo. Sau đó cho bệnh nhân uống than hoạt tính và khẩn cấp đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Nhưng rất nguy hiểm là ngộ độc thường xuất hiện muộn (trung bình 12 giờ sau khi ăn) nên bệnh nhân hoặc người xung quanh không biết để sơ cứu.
Điều trị ngộ độc nấm độc xanh đen cần đến các biện pháp cấp cứu và hồi sức tích cực, thậm chí lọc máu liên tục và lọc thay thế gan nhưng tỷ lệ tử vong vẫn cao, khoảng hơn 30%.
Giai đoạn yên tĩnh (24-48 giờ sau ăn): không biểu hiện gì đặc biệt, giống như là đã khỏi bệnh nhưng thực tế cơ thể đang bị ngộ độc nặng hơn. Giai đoạn nhiều cơ quan bị ngộ độc rõ (3-5 ngày sau ăn nấm), đặc biệt là viêm gan, suy gan, suy thận, dễ bị chảy máu... Nếu không được điều trị tích cực có thể tử vong.