Dân Việt

Nhà nông trắng tay vì lũ

08/11/2010 06:46 GMT+7
(Dân Việt) - Đến hôm qua, tại các tỉnh Nam Trung bộ, nước lũ đã dần rút. Thiên tai đi qua nhưng với nông dân nơi đây, hậu quả của nó mới bắt đầu và sẽ còn kéo dài...
img
Người dân xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang vớt ốc hương còn sót lại bán lấy tiền mua gạo. 

Ốc hương bị dìm trong nước bạc

Tại Khánh Hòa, mưa lũ kéo dài mấy ngày qua cùng với việc xã lũ của hồ thủy lợi Đá Bàn (Ninh Sơn, Ninh Hòa) đã tàn phá đầm ốc hương Nha Phu, khiến hàng trăm gia đình nông dân trắng tay. Bà Nguyễn Thị Vương (thôn Vân Đăng, xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang), khóc nức nở khi gặp phóng viên:“Lũ về ồ ạt làm cho 65 vạn ốc hương nhà tôi chết la liệt.

Một trong những nguyên nhân gây lũ lụt lớn tại Ninh Thuận là do chất lượng rừng cũng như diện tích rừng bị giảm trầm trọng, khiến cho khả năng phòng hộ của rừng giảm mạnh- ông Nguyễn Hữu Hoán, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm Ninh Thuận cho biết. Hiện nay, Ninh Thuận chỉ có 148.000ha rừng các loại, độ che phủ chỉ còn 43,7%.

Đau hơn nữa là số ốc này gần đến kỳ thu hoạch, 300 triệu đồng thấy trước mắt giờ trôi theo nước”. Nhìn ốc lăn ngửa bụng, sưng vòi, bong nắp mà chết, bà Vương hốt hoảng nài nỉ đầu nậu đến mua giúp nhưng ai cũng từ chối vì có mua cũng không chở đi được vì đường sá ngập hết.

Thê thảm hơn là gia đình ông Nguyễn Đình Thông ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương. Lũ về cuốn hết 3 tấn ốc nhà ông. Đây là lần thứ 3 trong năm gia đình ông mất trắng cơ nghiệp. Những lần trước là do ốc bị dịch bệnh.

Với mong muốn gỡ gạc lại những gì đã mất, gia đình ông vay mượn 200 triệu đồng nữa để lại nuôi ốc hương. Vậy mà lũ về, ốc mất hết, nợ nần chồng chất. Dù nước đang dâng rất cao, phải lặn rất sâu, gia đình ông cũng buộc phải xuống đáy lồng lặn hốt ốc chết về bán được đồng nào hay đồng nấy lấy tiền mua gạo. Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng thôn Cát Lợi, cho biết: Cả thôn có 260 hộ nuôi ốc hương. Sau trận lũ này, họ không những trắng tay mà còn nợ đầm đìa ngân hàng và tư nhân. Cái thôn vốn nổi tiếng nghề nuôi ốc hương trong cả nước này có nguy có biến mất.

Tôm nuôi trôi theo lũ

Cùng chung số phận với các hộ nuôi ốc hương là các hộ nuôi tôm. Ông Đặng Đình Nhã - thôn Vĩnh Xuân, xã Vĩnh Thái, TP.Nha Trang, than thở: “Chỉ mấy ngày mưa lũ mà gia đình tôi mất trắng gần 20 tấn tôm, “bay” 300 triệu đồng”. Lũ từ núi kéo xuống phăng phăng cuốn trôi hết cả số tôm trong đìa xuống sông, ra biển. Đã vậy, lũ còn cuốn rất nhiều khối lượng đất, đá, than mùn từ nhà máy chế biến than đá gần đó tràn xuống ao tôm.

Ông Nhã và nhiều hộ nuôi tôm nơi đây đang lo khi lũ rút lấy tiền đâu mà cải tạo lại ao đìa cho vụ nuôi mới. Được biết, chỉ riêng vùng ngập lụt nặng nề ở Vĩnh Xuân (xã Vĩnh Thái), Đồng Muối (phường Phước Hải) thuộc TP.Nha Trang đã có khoảng gần 100 tấn tôm trôi theo lũ.

Toàn tỉnh Khánh Hòa có tới 159ha diện tích ao đìa nuôi tôm ở các vùng nuôi tôm Đồng Muối, Đồng Rọ, Vĩnh Xuân (Nha Trang), xã Cam Thịnh Đông (Cam Ranh), Ninh Lộc, Ninh Ích (Ninh Hòa)… mất trắng. Đặc biệt là vùng nuôi tôm nổi tiếng Cam Thịnh Đông, sau khi hồ chứa nước Sông Trâu (Ninh Thuận) xả lũ, cả vùng nuôi tôm này trở thành biển nước mênh mông.

img
 

Bùn lấp kín ruộng

Ngay sau khi lũ vừa rút, chúng tôi có mặt tại thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận. Đây là một trong những địa phương của Ninh Thuận thiệt hại nặng nề nhất trong cơn lũ vừa qua.

Do nằm giữa 2 con sông Quao và sông Dinh, lại là vùng trũng thấp nên khi hồ thủy lợi Tân Giang và sông Sắt cùng nhau xả lũ thì toàn bộ thôn Thuận Lợi chìm trong biển nước. Đặc biệt, đêm 2-11, hồ thủy lợi Phước Trung đang trong quá trình thi công thì bị vỡ đập khiến cho gần 2 triệu m3 nước tràn về hạ du.

Thuận Lợi có tổng cộng 230 hộ dân, với 1.100 nhân khẩu. Đây là thôn nghèo nhất xã Phước Thuận. Nông dân chủ yếu sống bằng những đám hành, rẫy cà, ruộng lúa nhỏ. Giờ tất cả đã bị bùn phủ lấp.

Chị Nguyễn Thị Trang mếu máo đứng bên ruộng hành hơn 2 sào (2.000m2) đã được bán mão với giá 10 triệu đồng và chỉ chờ ngày bạn hàng đến thu hoạch, giờ đã mất trắng. “Vợ chồng tui mới nhận 1 triệu đồng đặt cọc của bạn hàng chờ nhổ hết hành mới nhận đủ. Giờ hành thúi hết, biết lấy đâu ra tiền để trả lại cho bạn hàng đây”.

Gia đình anh Nguyễn Văn Ngọc cũng bi đát chẳng kém, tất cả chi phí sinh hoạt, mua sắm trong nhà đều nhờ vào rẫy cà chua 4,5 sào. “Bình thường mỗi vụ cà, hai vợ chồng tui kiếm được 60-70 triệu đồng, có tiền lo cho mấy đưa nhỏ ăn học, còn bây giờ thì…” anh bỏ lửng câu nói trong tiếng thở dài sườn sượt.

Anh lúi húi hái những trái cà còn sót sau lũ để làm thức ăn cho bữa trưa, nói: “Mấy hôm nay, cả nhà ăn toàn cà, xót cả ruột, may mà hôm nay có đoàn cứu trợ về cho được thùng mì tôm cũng đỡ”.