Dân Việt

Ghi chép từ Bangkok: Khi sân vận động biến thành… công viên

22/11/2012 17:20 GMT+7
Dân Việt - Điều ấn tượng nhất với phóng viên Dân Việt khi tác nghiệp tại Bangkok (Thái Lan) chính là việc “Khu liên hợp thể thao” Rajamangala được biến thành… công viên.

Đây mới là “xã hội hóa thể thao”

Lâu nay, cụm từ “xã hội hóa thể thao” thường được nhắc đến không biết bao nhiêu lần trong các công văn, văn bản của Thể thao Việt Nam (TTVN). Nhưng hô hào là một chuyện, làm như thế nào lại là chuyện khác. Một ví dụ nóng hổi là không biết có phải vì suy nghĩ (hay cố tình suy nghĩ) sai mà nhiều năm qua, Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình đã bị sử dụng sai mục đích.

Trong những ngày không có sự kiện bóng đá hay thể thao, thì khu này lập tức bị biến thành những quán cafe, biểu diễn xiếc, ẩm thực đêm, bãi đỗ xe ôtô… Thậm chí, ngay cả đội tuyển bóng đá cũng nhiều lần gặp khó vì cách làm ấy.

Chưa ai quên năm 2010, trong quá trình chuẩn bị cho Cúp bóng đá 1.000 năm Thăng Long, thầy trò huấn luyện viên (HLV) Calisto đã phải tập luyện ở sân phụ, “nhường” sân chính cho những người chơi golf. Lý do là thời điểm đó, ban quản lý Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình đã ký hợp đồng ba năm (2010- 2012) với Công ty cổ phần Golf Việt Nam để thuê mặt bằng sân Mỹ Đình làm sân tập golf (?!). Với “cái lý” đã được Bộ VH-TT&DL đồng ý là đơn vị tự chủ tài chính, lúc này, ban quản lý khu liên hợp tiếp tục bằng mọi cách cho thuê mặt bằng làm dịch vụ, kinh doanh phi thể thao.

img
Người dân Thái Lan mọi thành phần, lứa tuổi đều được thoải mái vào sân vận động luyện tập thể thao. Ảnh: Đàm Duy

Và không biết những người làm TTVN sẽ nghĩ gì khi chứng kiến “Khu liên hợp thể thao” Rajamangala được biến thành… công viên. Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt đang tác nghiệp tại Bangkok (Thái Lan), chiều chiều, người dân Bangkok có thể tự do vào sân phụ Rajamangala tập luyện (đi bộ, chạy…).

Không gian mở rộng kéo từ sân phụ tới Nhà thi đấu và sân chính Rajamangala là những thảm cỏ xanh mướt, có nhiều ghế ngồi, có đài phun nước với rất nhiều chim bồ câu bay lượn… được bố trí rất hợp lý dễ liên tưởng tới một công viên ở Việt Nam chứ không phải một sân vận động. Nơi đó, mọi thành phần, lứa tuổi đều có thể ra vào tự do không mất phí!

Sân vận động không chỉ để xem bóng đá

Điều đáng lưu ý là những người tới sân vận động không chỉ để xem bóng đá. Đôi khi, đó chính là không gian thích hợp để ai đó có thể làm việc riêng tùy thích.

img
Du khách cho chim bồ câu ăn ở ngay khu vực bên ngoài sân Rajamangala. Ảnh: Đàm Duy

Theo dõi đội tuyển bóng đá Myanmar tập luyện chiều 21.11 từ trên khán đài sân phụ Rajamangala có rất nhiều nam thanh nữ tú. Nhóm thì ngồi chơi đàn guitar, nhóm thì ngồi ăn uống, trò chuyện, có cả những đôi nam nữ hẹn hò nhau tâm tình trên khán đài… Phía dưới đường piste của sân, rất nhiều người dân tập luyện thể thao. Cho tới khi trời tối hẳn, đội Myanmar cũng đã rời sân nhưng dàn đèn vẫn chiếu sáng để phục vụ người dân tập luyện thể thao.

Trao đổi với Dân Việt, anh Thanongchai - bảo vệ sân vận động Rajamangala, đồng thời kiêm người bán thức ăn cho chim bồ câu tâm sự: “Mọi người đều có thể vào bên trong tham quan, vui chơi mà không mất một đồng tiền vé”.

Theo Thanongchai, người dân Thái Lan hay du khách muốn vào thăm, chụp hình bên trong phòng truyền thống của sân vận động Rajamangala - nơi trưng bày rất nhiều chiếc Cúp, huy chương… mà các vận động viên xứ Chùa Vàng giành được tại các kỳ SEA Games, ASIAD, Olympic, chứ không chỉ riêng môn bóng đá đều được nhân viên hướng dẫn, giới thiệu nhiệt tình.

Có mặt trên sân phụ Rajamangala xem Myanmar tập, bạn Nguyễn Đỗ Quỳnh (Cần Thơ) - sinh viên năm cuối Trường Đại học Assumption bộc bạch: “Bên này, chúng tôi cũng có đội bóng thường xuyên sinh hoạt với nhau. Cả đội đã lên kế hoạch cổ vũ cho đội tuyển. Vé sẽ được bán vào sáng 24.11, khoảng 10 tiếng trước khi trận đấu diễn ra. Hôm nay tới sân tưởng được xem Công Vinh, Thành Lương chơi bóng nhưng lại hụt mất, tiếc quá”.