Dân Việt

Đề nghị tăng đầu tư cho công tác dự báo thiên tai

22/11/2012 10:30 GMT+7
(Dân Việt) - Sáng 21.11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai. Một trong những vấn đề quan trọng được các ĐB quan tâm là công tác dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai.

ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nêu ví dụ về cơn bão Sơn Tinh vừa qua: “Mới hôm trước dự báo là tâm bão ở vùng Nghệ An, ngày hôm sau bão đã quay ngoắt lại về trung tâm Thái Bình và một số tỉnh Nam Định, Quảng Ninh và Hải Phòng. Dựa trên các số liệu về mặt khoa học, phân tích từ vệ tinh cũng như các nước và kể cả kinh nghiệm về dân gian của các cụ thì bây giờ những dự báo, dự đoán đó cũng chỉ đạt một mức độ, không thể nào chuẩn xác được”. Tuy nhiên, nhiều ĐB vẫn đặt ra yêu cầu cao hơn với ngành này.

img
Các ĐBQH đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn đối với ngành dự báo khí tượng thủy văn.

ĐB Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) nêu: “Thực tế cho thấy những tổn thất rất lớn vì dự báo, cảnh báo không kịp thời, ví dụ cơn mưa lớn tại Hà Nội vào tháng 11.2008 đã làm thiệt hại 3.000 tỷ đồng, cơn bão Linda vào tháng 5.2007 đã làm chết 941 người, mất tích 2.142 người trên vùng biển phía Nam.

Cảnh báo sớm, chính xác là khâu quan trọng trong việc phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Để có thông tin, cảnh báo chính xác cần có sự đầu tư thỏa đáng về tài chính, trí tuệ để nâng cấp các hệ thống quan trắc, khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn”.

ĐB Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cũng cho rằng, việc phòng ngừa là khâu rất quan trọng trong công tác phòng, chống thiên tai và đề nghị dự thảo “quy định rõ thêm, nhấn mạnh chủ trương đầu tư theo hướng hiện đại hóa trong công tác hiện đại hóa trong công tác dự báo thiên tai về cả trang thiết bị, trình độ dự báo, cảnh báo”.

ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) đề nghị, bên cạnh việc đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai, dự thảo cần phải bổ sung chính sách hỗ trợ cho ngư dân trang bị phương tiện thông tin liên lạc để phục vụ cho tránh, trú bão và xem đây là chính sách hiệu quả nhất trong việc phòng, chống thiên tai góp phần bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.