Các chuyên gia y tế truyền nhiễm cho biết, hành vi rửa tay với xà phòng nhưng thực hiện chưa đúng cách nên nguy cơ nhiễm bệnh tiêu chảy, các bệnh dịch khác vẫn còn.
Hiểu chưa đúng nên thực hành chưa đủ
Chị Nguyễn Thị Lệ, 35 tuổi ở thị trấn Yên Thịnh (Yên Mô, Ninh Bình) là giáo viên dạy cấp 2. Vợ chồng chị Lệ rất quan tâm tới vệ sinh cá nhân của 2 đứa con nhỏ, trong đó có việc hình thành thói quen rửa tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Đứa con gái lớn học lớp 4, thằng bé thứ 2 đang học lớp 1.
Sau khi tiếp xúc với gia cầm, cần rửa tay ngay để phòng dịch bệnh. |
Vợ chồng chị Lệ rèn cho các cháu thói quen rửa tay với xà phòng ngay từ bé và bản thân cũng duy trì thói quen này để nêu gương cho các con. Thế nhưng, thỉnh thoảng 2 đứa con chị Lệ vẫn bị chột dạ hoặc ho hen… Sau này nghe các bác sĩ hướng dẫn việc rửa tay với xà phòng trên tivi, trên báo thì chị mới vỡ lẽ ra là gia đình chưa thực hiện đúng, đủ việc rửa tay với xà phòng. “Nhà có nuôi 1 con chó và 1 con mèo. Bọn trẻ thỉnh thoảng vẫn chơi với 2 con vật này. Đáng nhẽ, sau khi chơi với chó, mèo thì phải rửa tay chân với xà phòng, nhưng tôi lại không để ý mà thường chỉ nhắc khi các cháu rửa tay trước khi ăn hoặc nghịch bẩn…”.
Nguồn UNICEF Việt Nam
Cũng như chị Lệ, chị Thư - một tiểu thương bán thịt gia cầm làm sẵn ở chợ Nghĩa Tân cũng có thói quen rửa tay với xà phòng, nhưng hành vi này lại không được thực hiện đúng trong những buổi chị bán hàng. Chị lý giải: “Gà, vịt đã được làm sạch lông rồi, giờ mình bán cho khách, bán xong rửa tay với nước là ổn rồi…”.
Theo các chuyên gia về môi trường y tế, đúng ra thì sau khi tiếp xúc với thịt gia cầm sống thì những người như chị Thư phải rửa tay với xà phòng. Đây là cách làm hiệu quả để phòng tránh, giảm nguy cơ nhiễm các bệnh về đường tiêu hóa cũng như bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, trong đó có cúm A (H5N1)…
Theo các chuyên gia về y tế, bề mặt da của cơ thể con người chứa tới hàng chục ngàn vi khuẩn có khả năng lây bệnh, tập trung nhiều nhất ở da bàn tay bởi đôi tay thường xuyên tiếp xúc với đủ mọi vật trong sản xuất và đời sống. Chính vì thế, bàn tay thường là trung gian đem mầm bệnh vào cơ thể con người. Việc rửa tay với xà phòng là thói quen nhỏ nhưng sẽ góp phần tăng cường sức khỏe hiệu quả và phòng ngừa nhiều loại bệnh dịch một cách kinh tế nhất. Nhưng hiện nay, nhiều người vẫn băn khoăn với câu hỏi, nên rửa tay với xà phòng trong trường hợp nào?
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) những trường hợp nên được rửa tay với xà phòng là:
-Trước và sau khi chế biến thức ăn.
-Trước bữa ăn hàng ngày.
- Sau khi đi vệ sinh.
- Sau khi làm vệ sinh cho trẻ.
- Sau khi chơi với các vật nuôi như chó, mèo…
- Sau khi tiếp súc với gia cầm sống, thịt gia cầm còn sống.
- Sau khi tiếp xúc với máu hoặc bệnh phẩm của người bệnh.
- Rửa tay với xà phòng trong những trường hợp cảm thấy tay bị bẩn.
Đông Hoàng