Theo ban tổ chức, TGLX là một vùng đất hình tứ giác thuộc vùng ĐBSCL trên địa phận 3 tỉnh, thành là Kiên Giang, An Giang và Cần Thơ. Với diện tích 470.000ha, bằng 12,5% diện tích ĐBSCL nhưng sản lượng lúa hàng năm của vùng TGLX đạt trên 4,73 triệu tấn, chiếm gần 20% lượng lúa của ĐBSCL. Tuy vậy, hiện vùng TGLX còn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Sản xuất lúa ở xã Tân Tuyến (huyện Tri Tôn, An Giang), vùng đất được khai phá từ chương trình TGLX. |
Ông Nguyễn Minh Nhị -nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng, sau hơn 20 năm tập trung khai thác, vùng TGLX giờ đây tuy đã trở thành trọng điểm cung cấp lương thực cho cả nước, lương thực xuất khẩu nhưng vẫn còn nhiều thách thức đặt ra. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là trình độ dân trí trong vùng TGLX vẫn còn thấp, tỷ lệ lao động có tay nghề chưa cao, hạ tầng giao thông vẫn chưa được đầu tư xứng tầm.
Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng TGLX thuộc tỉnh An Giang còn chiếm đến 9,68% (bình quân của tỉnh là 7,84%). “Trong khi nông dân TGLX đã bỏ nhiều công sức khai phá đất đai, tập trung sản xuất lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu gạo ra thế giới thì họ vẫn chưa được đền đáp xứng đáng - ông Nhị nói.
Theo GS - Viện sĩ Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, để đảm bảo phát triển lâu dài cho vùng TGLX, cần có nghiên cứu, đánh giá toàn diện hơn về các công trình kiểm soát lũ, công trình ngăn mặn và tình trạng suy thoái đất đai. GS Minh đề nghị trung ương có chính sách đầu tư mạnh cho vùng ĐBSCL cũng như TGLX nhằm đảm bảo “công bằng” cho nông dân đã đóng góp vào an ninh lương thực quốc gia.
Thoại Giang