Dân Việt

Chống tham nhũng từ chính sách

23/11/2012 19:14 GMT+7
(Dân Việt) - “Phòng chống tham nhũng từ chính sách” được coi là việc “phòng bệnh” còn “phát hiện, xử lý tham nhũng” giống như việc “chữa bệnh” trong y học. Mà dân gian ta vốn có câu: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Bởi thế, thay vì việc... chờ tham nhũng xảy ra rồi các cơ quan chức năng hay báo chí mới vào cuộc điều tra làm rõ thì việc ngăn chặn hành vi tham nhũng từ trong “trứng nước”, nói cách khác là việc “siết” luật để hành vi tham nhũng không có điều kiện xảy ra được đánh giá cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, việc “siết” luật không phải là một việc làm đơn giản và có thể hoàn thành trong một sớm một chiều.

Việc xây dựng, ban hành và thực thi một bộ luật có tốt hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Nhận thức về tham nhũng, tính chất nghiêm trọng của hành vi này, kiến thức hiểu biết về công cuộc phòng chống tham nhũng, sự vận dụng các kinh nghiệm thế giới vào thực tiễn Việt Nam. Quan trọng hơn cả là “quyết tâm phòng chống tham nhũng” của các cơ quan chức năng, từ Lập pháp, Hành pháp tới Tư pháp.

Bàn về việc “phòng” tham nhũng từ chính sách, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vai trò của các đại biểu Quốc hội, những nhà lập pháp chịu trách nhiệm soạn thảo các bộ luật, bao gồm cả Luật Phòng chống tham nhũng và các bộ luật liên quan đến phòng chống tham nhũng như: Luật Đất đai, Luật Ngân hàng, Luật Doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng là không thể phủ nhận. Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” vừa công bố hôm 20.11 cho thấy “80% doanh nghiệp và cán bộ công chức cho rằng báo chí phát hiện ra tham nhũng trước khi cơ quan chức năng phát hiện, và hơn 8% cho rằng áp lực từ báo chí giúp các vụ tham nhũng khỏi bị “chìm xuồng”.

Không những thế, báo chí còn có thể thực hiện chức năng “phòng” tham nhũng bằng cách tác động, thúc đẩy các đại biểu Quốc hội tranh luận có chất lượng hơn tại nghị trường, như lãnh đạo Văn phòng Quốc hội nhận định.

Tất nhiên, việc “phòng” tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội hay báo chí. Các cơ quan khác có chức năng, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng như Văn phòng chỉ đạo phòng chống tham nhũng T.Ư, Viện Kiểm sát… cần tham gia mạnh mẽ hơn vào công cuộc này.