Chỉ dành hơn 100m2 đất để nuôi trùn quế, nhưng mỗi năm trang trại chăn nuôi của anh Hòa thu về trên 200 triệu đồng lãi. Anh tâm sự: "Nhà gần bãi nên tôi nuôi bò, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn như cỏ, lá ngô và ngũ cốc. Tuy nhiên khi nuôi 30 con bò, lượng chất thải rất nhiều. Lúc đầu còn xử lý được, về sau tôi hết cách. Mùi hôi thối nồng nặc khiến làng xóm phản ứng. Năm 2010, tôi quyết định đầu tư hơn 10 triệu đồng mua giống trùn quế trên Hà Nội về nuôi thử nghiệm".
Trùn quế giúp gia đình anh Hòa giảm chi phí trong chăn nuôi. |
Ngay những lứa đầu tiên, trùn quế phát triển nhanh, sinh sản tốt, rất phù hợp với các loại phân trâu, bò, lợn, gia cầm. Lúc đầu, anh Hòa chỉ nuôi trùn quế trong các thùng xốp, sau anh xây ô chuồng nuôi kiên cố. Anh Hòa cho biết, vì trùn quế ưa ẩm và tối nên khi thiết kế ô nuôi cần kín, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp.
Giờ đây, gia đình anh Hòa đã thiết lập một trang trại chăn nuôi liên hoàn. Biết lấy ngắn nuôi dài, tận dụng triệt để nguồn phụ phẩm nên trang trại chăn nuôi của gia đình anh rất sạch sẽ, thoáng mát và không có mùi hôi. Mỗi năm anh thu gần chục lứa trùn quế, tùy vào lượng phân và cách chăm sóc.
Từ nguồn trùn quế có sẵn để làm thức ăn cho gia cầm và thủy cầm, cá… vừa giảm chi phí chăn nuôi, vừa giúp vật nuôi phát triển tốt, sức đề kháng cao.
Anh Hòa chia sẻ: "Bí quyết làm giàu của tôi chính từ con trùn quế này. Mỗi ngày trong khẩu phần ăn của gà vịt đều có một lượng trùn quế nhất định trộn đều trong thức ăn tinh. Gà, vịt ăn trùn quế đẻ sai trứng, trứng to hơn so với những con chỉ ăn cám. Trong khi đó, nuôi trùn quế đầu tư ban đầu không nhiều mà hiệu quả lâu dài. Bây giờ nuôi lợn, nuôi bò, mình không còn lo nơi xử lý chất thải nữa. Đất nuôi trùn quế tái sử dụng trồng rau rất tốt, giàu chất dinh dưỡng. Đúng là tam tứ tiện".
Ngoài 60 ô nuôi trùn quế làm thức ăn cho vật nuôi, anh Hòa còn nhân giống trùn quế cung cấp cho bà con trong huyện.
Tất Đạt - Thu Mý