Dân Việt

Thiên đường bị quên lãng - Kỳ 2: Thiếu cả những... chiếc ghế

23/11/2012 06:55 GMT+7
(Dân Việt) - Cơ sở hạ tầng thiết yếu cho du lịch gần như bằng không trong khi đảo luôn “phải” tiếp nhận các dự án xây dựng khổng lồ trị giá vài trăm tỷ đồng.

Cù Lao Xanh không mấy vui vẻ khi tiếp nhận các dự án quá quy mô như thế đơn giản bởi nó không cần thiết.

Cơ sở hạ tầng bằng không

Nếu không có liên hệ trước với UBND xã Nhơn Châu có lẽ chúng tôi đã không có chỗ nghỉ. Nhà nghỉ sang nhất (và duy nhất) trên đảo là nhà khách của UBND xã với 3 chiếc giường cá nhân nằm song song. Anh Lê Văn Sáo - cán bộ xã, giải thích về sự lộn xộn tại nhà khách của xã: “Nếu có khách du lịch nào “lỡ” ra đến đây thì đành phải tìm nhà dân để trọ ở. Bí quá, họ cứ lên “bắt đền” chúng tôi thì UBND xã lại phải lo chỗ ở cho họ, nhiều lúc phải cho họ mượn phòng làm việc để nghỉ ngơi”.

img
Quán ăn của chị Tám Cảnh là quán duy nhất có ghế ngồi cho khách.

Trước lúc ra đây, ông Ngô Văn Quý - Chủ tịch UBND xã đã “cảnh báo” chúng tôi: “Ngoài đảo không có hàng quán bán đồ ăn nên các anh chịu khó về nhà cán bộ xã dùng cơm gia đình vậy”.

Bữa cơm diễn ra chóng vánh để còn về ngủ vì điện thắp sáng (trên đảo có máy phát điện chạy dầu) sẽ cắt sớm. Ông Quý cho biết, mỗi năm đảo được trợ cấp gần 5 tỷ đồng chi cho các hoạt động chung của xã. Tuy nhiên, số tiền để mua dầu chạy máy phát điện (19 giờ đến 20 giờ) đã chiếm số tiền lên đến hơn 2 tỷ đồng. Để giảm bớt chi phí, điện trên đảo chỉ dùng để thắp sáng là chính.

Bữa sáng của 244 học sinh (cấp 1 và cấp 2 học chung một trường) đã phản ánh gần như đầy đủ những thiếu thốn trên đảo. Gọi là ăn sáng cho oai chứ thực ra chỉ là món bánh ít (làm từ bột gạo) không nhân được rưới thêm chút nước mắm đun với mỡ nước, 3.000 đồng/bát. Học sinh đứa nào sang trọng nhất, kiếm được chỗ sạch sẽ thì ngồi bệt, còn không tìm được chỗ tốt thì ngồi xổm, hoặc đứng…

Quán ăn sáng sang trọng nhất xã đảo (vì có ghế ngồi, khoảng gần mươi chiếc) là quán cháo lòng của chị Tám Cảnh. Tuy nhiên, lượng khách tại đây không được đông lắm vì giá đắt (những 10.000 đồng/bát).

Thiếu luôn những cơ chế

Nói về chuyện đau ốm, cấp cứu phải nhanh chóng đưa vào đất liền thì một chiếc ca nô nhỏ (tốc độ cao) trị giá khoảng 400 triệu đồng là mơ uớc của dân đảo này. Khi xảy ra cấp cứu thì ít nhất cũng phải 2 tiếng đồng hồ sau nạn nhân mới được đưa vào đến bờ. Đó là trường hợp các nạn nhân thuộc gia đình có kinh tế khá giả để có ngay 2 triệu đồng trả cho chủ tàu.

Những trường hợp chưa có đủ tiền ngay (đa số là thế) thì lại phải viện đến UBND xã, lúc đó UBND xã sẽ đứng ra “nhận nợ” thay cho gia đình nạn nhân, hay thậm chí phải ứng trước tiền mua dầu cho chủ tàu thì lúc đó nạn nhân mới được đưa đi... Các cán bộ xã tại đây cho biết:

Nếu được cấp một chiếc ca nô như vậy sẽ rất tốt trong các trường hợp đưa người đi cấp cứu, cứu nạn trên biển, còn nếu quản lý tốt thì chiếc ca nô ấy sẽ được sử dụng để đưa đón khách du lịch. Câu chuyện về một cô giáo từ Quy Nhơn ra đây dạy học, vì không biết nên ăn phải con ốc mượn hồn có độc đã tử vong vì không kịp cấp cứu đã cho thấy sự đầu tư dù nhỏ bé này vô cùng cần thiết.

Xã đảo Nhơn Châu tập trung tới 90% đất xám feralic có độ phì kém, kết cấu rời rạc, nghèo chất dinh dưỡng, 10% đất còn lại là đất mặn. Do vậy không thể sản xuất nông nghiệp trên đảo này.

Khi trách khéo các cán bộ nơi đây về việc không chịu kêu gọi các nhà đầu tư du lịch đến đây thì ông chủ tịch UBND xã thở dài: “Cần gì phải kêu gọi! Những nhà kinh doanh họ nhạy gấp mình cả trăm lần ấy chứ. Một nơi đẹp như thế này, họ đã phát hiện ra từ lâu. Nhưng doanh nghiệp nào ra đây khảo sát cũng lắc đầu ra về”.

Với vị trí và cảnh vật tuyệt vời tại nơi đây, các nhà đầu tư lớn đã chấp nhận tất cả những khó khăn tồn tại: Không có điện thì sẽ có máy phát điện công suất lớn, thiếu phương tiện thì sẽ trang bị cả đội tàu, chưa có cơ sở hạ tầng, nơi ăn nghỉ thì họ sẽ xây dựng hàng loạt nhà nghỉ, khách sạn… Cơ sở hạ tầng bằng không của xã đảo này thậm chí còn được các nhà đầu tư đánh giá cao vì họ có thể triển khai dự án một cách đồng bộ, nhất quán với một thiết kế chuẩn.

Nhưng không một nhà đầu tư nào dám đặt vần đề đầu tư khi hỏi đến quy hoạch xây dựng chi tiết của đảo. Ông Quý cho biết: “Chúng tôi đã xin tỉnh Bình Định, TP. Quy Nhơn cho chúng tôi một bản quy hoạch xây dựng chi tiết trong vòng khoảng 30 năm nhưng chưa thấy có hồi âm”. Khi chưa có bản đồ quy hoạch xây dựng chi tiết thì không nhà đầu tư nào dám ở lại Cù Lao Xanh. Đơn giản vì đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch rất tốn kém, nếu sau này, nơi họ xây dựng lại bị giải tỏa để phục vụ cho mục đích khác thì… sạt nghiệp.

Kỳ cuối: Thừa và phí