Dân Việt

Coi chừng bệnh về da

23/11/2012 15:07 GMT+7
(Dân Việt) - Dù ngành nông nghiệp chưa có bệnh được công nhận chính thức là bệnh nghề nghiệp, nhưng theo nhiều chuyên gia y tế, các bệnh về da phát sinh trong quá trình làm nông nghiệp đang ngày càng gia tăng...

Theo bác sĩ Vũ Cường – chuyên gia Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) thì có 2 loại bệnh da thường gặp là viêm da mủ: (Pyodermite); viêm da dị ứng. Bệnh viêm da mủ hay xảy ra ở mùa cày cấy, gặt hái do tạp khuẩn. Triệu chứng lâm sàng thường gặp là xuất hiện những mụn mủ, mụn nhọt (nang lông) do tụ cầu hoặc liên cầu, có trường hợp thành vết loét ở chân do ngâm xuống bùn đất, thường là vi khuẩn yếm khí.

img
Gặt lúa mùa lũ của nông dân Đồng Ngự, Đồng Tháp.

Bệnh càng nguy hiểm khi nông dân làm việc ở môi trường nhiều bụi ra mồ hôi nhiều làm giảm sức chống đỡ của da, cửa ngõ là những vết xây xước da, đỉa cắn trong quá trình lao động.

Bệnh viêm da dị ứng thường do hoá chất sử dụng trong nông nghiệp. Thực tế, các loại phân hoá học, thuốc trừ sâu có thể xuất hiện các bệnh viêm da, nhiễm độc dị ứng, đỏ da toàn thân trong phân hoá học. Hơi phân xông lên mặt làm viêm bờ mi, viêm kết mạc biểu hiện là da mặt đỏ, trên nền da đỏ xuất hiện các mụn nước, mụn nước vỡ ra chảy nước vàng, bệnh nhân rất ngứa và càng ngứa phải gãi nhiều ngứa lại càng tăng lên có thể bị bội nhiễm vi khuẩn. Khi ngừng tiếp xúc phân lân vài ngày, bệnh giảm và khỏi hẳn...

Ngoài ra, nông dân sử dụng vôi Nitrat bón ruộng, trên da có thể xuất hiện các sẩn màu vàng da cam quanh các nang lông và các sẩn tồn tại rất lâu kể cả sau khi ngừng tiếp xúc với vôi.

Theo thống kê chung, bệnh da nghề nghiệp chiếm khoảng 50% bệnh da dị ứng, trong số đó 90% là do hóa chất. Với số lượng mắc bệnh nhiều, lao động cần lưu ý sử dụng bảo hộ lao động (ủng, găng) để phòng tránh bệnh.

Các loại thuốc trừ sâu cũng có thể hay gây tai biến ở da ngoài gây nhiễm độc dị ứng, đỏ da toàn thân. Triệu chứng khởi đầu là những ban đỏ nơi tiếp xúc, nếu ngừng thì thôi còn không ngừng sẽ dẫn đến đỏ da toàn thân, nứt da và chảy nước vàng. Toàn trạng sốt cao nếu không điều trị kịp thời, bệnh tiến triển nặng dần và có thể gây tử vong.

Đặc biệt nghiêm trọng là viêm da do ấu trùng sán vịt, thường xảy ra với nông dân làm ruộng nước có thả vịt. Nguyên nhân gây bệnh là do một loài ấu trùng sán vịt hình thoi có đuôi đơn, đuôi kép ở phía sau, loại ấu trùng này sống ở cơ thể ốc. Khi vịt mò ốc để ăn, ấu trùng có một thời gian ký sinh trong ruột vịt rồi theo phân vịt ra ruộng bám vào da người để gây bệnh.

Ở nông thôn còn xuất hiện nhiều đội xây dựng nhỏ, hoặc vùng mỏ có những đội lao động khai thác than trái phép. Theo các chuyên gia Viện Da liễu, nhóm đối tượng này cũng rất dễ bị viêm da...