Sáng 23.11, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng. Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với thời gian chuẩn bị của dự án Luật ngắn, Chính phủ chưa tiến hành tổng kết đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thi hành Luật Phòng chống tham nhũng nên dự thảo chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều thực sự bức xúc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu Quốc hội bên hành lang hội trường kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Sĩ Lực |
Theo đó, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Tuy nhiên, vấn đề này không quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng để bảo đảm nguyên tắc Đảng không làm thay chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước và vẫn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.
Luật sửa đổi cũng chưa quy định thành lập cơ quan chống tham nhũng độc lập trực thuộc Quốc hội hoặc Chủ tịch nước như đề nghị của một số đại biểu Quốc hội.
Luật mới cũng bổ sung nội dung công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, Luật bổ sung một số lĩnh vực cần phải được công khai, minh bạch như: văn hóa, thông tin; nông nghiệp và nông thôn; thực hiện chính sách an sinh xã hội; chính sách dân tộc…
Về kê khai tài sản, Luật mới không bổ sung đối tượng phải kê khai tài sản là bố mẹ, con cái đã thành niên, anh, chị em ruột… của người có nghĩa vụ kê khai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc mở rộng đối với các đối tượng này là khó khả thi và sẽ dẫn tới việc mâu thuẫn, không thống nhất với các quy định của Bộ luật dân sự, Bộ luật lao động nên không bổ sung đối tượng này vào dự án Luật.
Tuy nhiên, công khai bản kê khai tài sản là quy định mới của Luật. Việc công khai bản kê khai được tiến hành ở nơi làm việc của người có nghĩa vụ kê khai. Việc công khai tại nơi cư trú sẽ được tiếp tục nghiên cứu.
Dự thảo Luật bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về nghĩa vụ giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, góp phần triển khai thực hiện quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Nhà nước ta là thành viên.
Sỹ Lực