Dân Việt

3 con sán lá gan sống trong đường mật bệnh nhân

25/12/2012 13:17 GMT+7
Kíp mổ đã quyết định cắt bỏ đoạn đường mật kèm khối u và trong quá trình mở ống gan chung đã lấy ra được 3 con sán lá gan lớn (fasciola gigantica) còn sống kèm theo rất nhiều trứng trong đường mật.

Ngày 24.12, tin từ Khoa Ngoại nhi - Cấp cứu bụng, Bệnh viện Trung ương Huế vừa mổ thành công một trường hợp hiếm gặp khi bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan lớn trong đường mật.

Đó là bệnh nhân Trần Thị T. (36 tuổi, trú tại huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Chị T. nhập viện với biểu hiện đau tức bụng vùng thượng vị, hạ sườn phải, kèm theo sốt nhẹ, buồn nôn và vàng mắt, da.

img
3 con sán lá gan lớn hiếm gặp được tìm thấy trong đường mật của bệnh nhân

Kết quả xét nghiệm trên siêu âm và chụp cắt lớp vi tính phát hiện hình ảnh ống gan chung bị bít tắc bởi một khối u ngay dưới ngã ba đường mật.

Bệnh nhân được mổ vào ngày 18.12 với chẩn đoán trước mổ là u Klaskin type I, trong quá trình mổ và thám sát ổ phúc mạc phát hiện một khối u mềm kích thước 2×1 cm ở ống gan chung ngay sát dưới ngã ba đường mật, khối u này gây tắc mật và gây giãn đường mật phía trên nhưng chưa biểu hiện xâm lấn các cơ quan lân cận.

Kíp mổ đã quyết định cắt bỏ đoạn đường mật kèm khối u và trong quá trình mở ống gan chung đã lấy ra được 3 con sán lá gan lớn (fasciola gigantica) còn sống kèm theo rất nhiều trứng trong đường mật.

Theo PGS.TS. Phạm Như Hiệp, Trưởng khoa Ngoại nhi - Cấp cứu bụng, PGĐ Bệnh viện Trung ương Huế: “Quả thật đây là ca bệnh hiếm gặp vì theo y văn người bị nhiễm sán la gan lớn có tổn thương đường mật chiếm tỷ lệ rất thấp, các biến chứng này (viêm nhiễm đường mật, tắc mật...) dường như chúng ta chủ yếu gặp trên lâm sàng do giun đũa, sán lá gan nhỏ, sán dải... và rất hiếm khi gặp ở sán lá gan lớn.

Sau khi sán lá gan lớn xâm nhập vào đường mật cùng với các tổn thương cơ học, các độc tố sẽ làm cho thành ống mật dày lên gây tắc mật, đường mật giãn, tổ chức gan tổn thương thoái hóa, dẫn đến xơ gan... và bệnh rất dễ nhầm với các bệnh lý khác về đường mật bởi vậy một số trường hợp khó thì chẩn đoán được thiết lập trong quá trình mở bụng thăm dò hoặc phẫu thuật và đặc biệt vai trò của chụp mật tụy ngược dòng (ERCP) là một công cụ hỗ trợ rất nhiều trong chẩn đoán cũng như can thiệp điều trị”.

Theo Dân Trí