Hàng trăm năm qua, thịt chuột Canh Nậu (Thạch Thất, Hà Nội) đã có “thương hiệu” ở đất Bắc. Ở vùng quê thuần nông này, thịt chuột còn được “chuộng” hơn thịt gà, thịt lợn… Đây là món “đặc sản” mà người dân Canh Nậu thường đem ra đãi khách quý. Mới đây, mặc cho thông tin chuột cống nhiễm vi-rút Hanta gây suy thận cấp cho người, có thể dẫn đến tử vong, xuất hiện ở TP.HCM, hàng ngàn người dân Canh Nậu vẫn coi thịt chuột là món đặc sản quê hương và không ngại hiểm nguy để hành nghề săn chuột.
Cách trung tâm TP.Hà Nội chỉ gần 30km nhưng Canh Nậu vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống cổ xưa. Đã bao đời nay, chợ làng chiều ở Canh Nậu không khi nào thiếu thịt chuột, món được coi là “hồn cốt” của văn hóa ẩm thực nơi đây.
Thịt chuột được chế biến thành các món khoái khẩu cho thực khách |
Nhộn nhịp ăn thịt loài gây bệnh
Ông Nguyễn Văn Bình - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết vi-rút Hanta có thể gây hội chứng sốt xuất huyết kèm suy thận với các triệu chứng chính như sốt cao đột ngột, buồn nôn, đau bụng, hạ huyết áp. Người nhiễm loại vi-rút này có dấu hiệu nổi ban trên da, phù mặt, bí tiểu và sau đó là đa niệu. Ngoài ra, vi-rút Hanta còn gây sốt xuất huyết hội chứng phổi với các triệu chứng chính như sốt đột ngột, ớn lạnh, nhức đầu, rối loạn đường tiêu hóa, suy hô hấp đột ngột và hạ huyết áp. Tuy nhiên, bệnh không lây từ người bệnh sang người lành. Một số ít trường hợp có hiểu hiện lâm sàng nặng với hội chứng phổi hoặc hội chứng suy thận cấp có thể tử vong.
Những chú chuột thui vàng óng, mũm mĩm như củ khoai nướng được bày trên những chiếc mẹt được coi là món quà của người dân Canh Nậu dành cho khách đường xa. Người Canh Nậu coi thịt chuột như món khoái khẩu của mình và họ cũng chẳng rõ thú ẩm thực đó có từ bao giờ.
“Lâu lắm rồi, từ thời ông, cha chúng tôi đã ăn. Đến chúng tôi và các thế hệ sau vẫn sẽ còn ăn thịt chuột” - chị Hoàng Thị Vân, bán thịt tại chợ Canh Nậu chia sẻ. Loanh quanh trong khu chợ chỉ vài trăm mét vuông, khi chúng tôi quay trở lại khu bán thịt chuột thì cũng là lúc các mẹt thịt của chị Vân đã nhẵn hàng. Thế mới biết người dân Canh Nậu ưa thích món thịt đặc biệt này thế nào!
Không chỉ ở chợ mới bán thịt chuột, Canh Nậu có cả nhà hàng đặc sản chuyên chế biến thịt “cụ tý” để phục vụ thực khách gần xa. Dạo một vòng quanh xóm 2, xóm 3, chúng tôi tấp vào một quán nước ven đường hỏi thăm. Bà chủ quán cười bảo: “Các chú cứ đến xóm 2 hỏi nhà chị Hoa “thịt chuột” người ta chỉ cho. Đó là nhà hàng đặc sản to nhất ở đây”.
Không khó để chúng tôi tìm được nhà hàng Hoa “thịt chuột” dù không hề trưng biển. Đến nhà hàng đúng lúc có đoàn khách Hà Nội về thưởng thức đặc sản, chị Nguyễn Thị Hoa cùng 2 người phụ nữ luống tuổi đang mải miết chế biến món chuột đồng. Trong bếp, cậu con trai tay nhanh thoăn thoắt làm món thịt xào sả ớt. Mùi thơm lừng, béo ngậy khiến không ít người xuýt xoa tán thưởng.
Được biết, những ngày cuối tuần, cửa hàng chị Hoa thường xuyên “cháy” thịt. Cầm trên tay chú chuột đã thui vàng, chị Hoa vui vẻ cho biết: “Toàn thực khách ở các các vùng miền khác đến đây ăn. Những ngày thường thì chỉ một vài người đi qua, tiện đường ghé vào ăn đặc sản, chứ cuối tuần thì đông nghẹt”.
Biển quảng cáo đặc sản thịt chuột ở Canh Nậu |
Coi thường chuột cắn
Trong xã Canh Nậu có nhiều người chọn “nghiệp” săn chuột để mưu sinh vì thu nhập tương đối cao. Thậm chí có nhiều người nhờ săn chuột mà xây được nhà đẹp, mua xe máy xịn. Thời gian săn chuột rộ nhất là từ tháng 10 - 12 âm lịch. Đây cũng chính là thời điểm thu hoạch mùa màng vừa xong, chuột ăn thóc nên rất béo.
Ở Canh Nậu, người ta bảo, đi săn bị chuột cắn là chuyện không thể tránh khỏi. Nhưng chuyện người Canh Nậu bị chuột cắn đến nỗi phải đưa đi cấp cứu hay vào bệnh viện thì chưa thấy bao giờ. Theo nhiều người trong xã, nhắc đến “sát thủ” trong nghề săn chuột phải kể đến 2 bố con anh Đặng Anh Xá ở xóm 2. Bố con anh được mệnh danh là thợ săn lành nghề nhất xã.
Trung bình mỗi đêm đi săn, hai bố con thu về cả chục ký chuột các loại. “Đất Canh Nậu giờ cũng không còn nhiều chuột lắm. Cha con tôi thường phải đi xa hơn, sang tận Quốc Oai, Hoài Đức mới bắt được nhiều. Hết vụ gặt rồi chuột đồng cũng hiếm lắm, muốn săn được nhiều chỉ có cách đi xa hoặc lên Hà Nội bẫy thôi” - anh Xá bộc bạch.
Người dân Canh Nậu phong “lão làng” trong nghề săn chuột cho ông Nguyễn Văn Quân, một cao niên trong xóm. Gặp ông Quân, chúng tôi không khỏi bất ngờ. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” mà ông vẫn hăng say săn chuột. Ông cho biết, đến nay đã hơn 50 năm ông làm nghề. Trước đây còn khỏe, ông săn chuột để cải thiện một phần bữa ăn, còn lại đem ra chợ bán. Giờ có tuổi thì một tuần vài lần cùng cháu nội đi bắt về thưởng thức cho đỡ thèm.
Ông Quân kể, nghề săn chuột với người Canh Nậu được coi là nghề “gia truyền” và chuyện thợ săn chuột bị cắn là chuyện… thường ngày ở huyện. Người bị chuột cắn bao giờ cũng có cảm giác đau buốt. Với những thợ chuyên nghiệp thì chỉ cần nhai vài ngọn cỏ mực đắp lên vết cắn là vài hôm vết thương sẽ tự lành.
Có một thực tế, cơn lốc đô thị hóa tại thủ đô đã làm cho nhiều địa phương không còn ruộng, thay vào đó là hàng loạt những khu đô thị, khu công nghiệp mọc lên. Môi trường tự nhiên không còn nhiều nữa để chuột đồng tồn tại. Vì vậy chuột đồng và chuột cống đều sống chung một môi trường đang ngày càng ô nhiễm. Liệu rằng những người coi thịt chuột là đặc sản có nhận ra họ đang thưởng thức món ăn khoái khẩu nhưng mang nhiều mầm bệnh nguy hiểm, có thể làm tổn hại đến sức khỏe và tính mạng của mình.