Theo đó các doanh nghiệp FDI phải thêm rất nhiều giấy phép con và thủ tục nhiêu khê liên quan đến mua bán hàng tại Việt Nam. Điển hình là cấm doanh nghiệp FDI thu mua trực tiếp nhiều loại nông phẩm (nhất là cà phê) để xuất khẩu.
Thông tư 08 (do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa ký ngày 22.4.2013) có nhiều dấu hiệu của sự vi phạm các quy định của các thỏa ước quốc tế mà Việt Nam đã ký, cũng có nhiều dấu hiệu của sự vận động hành lang của các (hiệp hội) doanh nghiệp nhằm thúc Nhà nước ra văn bản có lợi cho họ. Thí dụ, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho rằng, 12 doanh nghiệp nước ngoài đã thu mua và xuất khẩu 50 - 60% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, khiến cho doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn. VICOFA đưa ra cảnh báo một khi doanh nghiệp FDI chiếm lĩnh thị trường nguyên liệu cà phê, lâu dài họ sẽ kiểm soát giá cả theo ý muốn...
Chắc hẳn các ý kiến như thế có ảnh hưởng đến quyết định của Bộ Công Thương. Vấn đề là báo giới cũng nên vạch ra cái mặt trái ấy và quan trọng hơn Nhà nước đừng nghe và đừng lo ngại trước các con “ngáo ộp” mà họ đưa ra dọa và chú ý đến lợi ích chung, nhất là của bà con nông dân.
Chưa bàn đến dấu hiệu vi phạm thỏa ước quốc tế hay sự vận động chính sách có lợi cho các doanh nghiệp yếu kém, các doanh nghiệp chỉ mong nhà nước cứu vớt bằng chính sách. Hãy chỉ bàn đến lợi ích của những người nông dân muốn bán nông sản của mình. Chắc chắn họ bị hại. Lấy thí dụ của mặt hàng cà phê cho dễ hiểu.
Thị trường cà phê thế giới do một số đại công ty chi phối. Đó là sự thật. Và nếu VICOFA muốn có tiếng nói ở đó thì cần rất nhiều sáng tạo và công sức, chứ không chỉ khuyến khích các thành viên mua “thu gom” cà phê của nông dân rồi bán cho các công ty FDI để họ xuất khẩu và tìm mọi cách giữ vị thế đó của mình. Việc Thông tư 08 cấm các doanh nghiệp FDI mua “thu gom” cũng làm cho quá trình hội nhập, nếu có, của các công ty Việt Nam đó khó khăn hơn. Nó làm hại bà con trồng cà phê thì quá rõ. Ít cạnh tranh hơn, thêm nhiều chi phí trung gian hơn và vì thế giá bán của bà con rất có thể bị dìm xuống. Điều đó không chỉ đúng với cà phê mà cũng đúng với các nông thủy sản khác.
Lập luận rằng nếu các doanh nghiệp FDI chiếm phần lớn thị phần thì họ sẽ lũng đoạn giá cả làm hại bà con nông dân, là lập luận hết sức ấu trĩ. Nếu vài doanh nghiệp Việt Nam được độc quyền thì họ hành xử ra sao? Hãy xem ứng xử của 2 ông lớn của Hiệp hội Lương thực VN trên thị trường lúa gạo! Việc chính của Nhà nước là phải kiểm soát họ, bất luận họ là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân hay FDI, khi họ chi phối thị trường. Và những người bán hàng (thí dụ bà con trồng cà phê) cũng nên tổ chức lấy hiệp hội riêng để bảo vệ quyền lợi của mình!
Nguyễn Quang A