Dù mới ra đời, mà nơi thành lập sớm nhất cũng chỉ gần 2 năm. Thế nhưng Nghiệp đoàn nghề cá đã từng bước trở thành nơi gắn kết ngư dân, đặc biệt là trong quá trình hoạt động khai thác trên biển tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.
Một chủ trương đúng
Ngư dân huyện đảo Lý Sơn là địa phương trong tỉnh đưa phương tiện vươn ra đánh bắt ở khơi xa từ rất sớm, trong đó vùng biển thuộc 2 quần đảo: Hoàng Sa và Trường Sa được xem là ngư trường truyền thống của ngư đây nơi đây.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm hỏi Đoàn viên Nghiệp đoàn Bùi Văn Phải. |
Ngoài gió bão, nhiều tàu thuyền của ngư dân đất đảo gặp nạn do bị tàu lạ đâm, tông...Qua thống kê chưa đầy đủ trong vòng 5 năm gần đây, đã có trên 70 tàu của ngư dân Lý Sơn bị nạn trên biển, gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng.
Chính vì vậy việc xã An Hải được chọn là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Nghiệp đoàn nghề cá (NĐNC), đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của ngư dân đất đảo. Ông Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch NĐNC An Hải cho biết: Chỉ sau khoảng 1 tuần triển khai vận động, đã có 428 thuyền viên/58 tàu thuyền tự nguyện đăng kí gia nhập. Nhiều ngư dân còn tỏ rõ sự tiếc nuối khi không về kịp để đăng kí vì đang ở ngoài biển.
Ngư dân Nguyễn Văn Thành (37 tuổi), một trong số những người đầu tiên tham gia vào Nghiệp đoàn bày tỏ: Không riêng gì bản thân mà nhiều ngư dân khác cũng đều muốn gia nhập vào Nghiệp đoàn. Bởi lẻ khi tham gia, các đoàn viên sẽ có điều kiện hỗ trợ, chia sẻ với nhau trong quá trình đánh bắt trên biển. Còn với ngư dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa qua hơn 10 năm ra đời và tồn tại dưới hình thức tự lậm: Tổ, đội, nhóm đánh bắt tự quản trên biển.
Vì thế các thành viên đã sớm nhận thức được tầm quan trọng và cần thiết của sự tương trợ lẫn nhau trong quá trình hoạt động khai thác. Cho nên việc thành lập Nghiệp đoàn nghề cá cũng nhận được sự ủng hộ của ngư dân địa phương.
Chiếc tàu của ông Trần Phương, ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn được đóng mới từ tiền hỗ trợ của TLĐLĐ Việt Nam |
Chia khó cùng ngư dân
Sau gần 2 năm thành lập, chỉ riêng NĐNC An Hải có hơn 25 trường hợp ngư dân, chủ tàu là thành viên của Nghiệp đoàn gặp nạn, đã nhận được trợ giúp từ sự đóng góp của người dân trong cả nước thông qua TLĐLĐ Việt Nam, với tổng số tiền hỗ trợ ước tính trên 7 tỉ đồng.
Gần đây nhất là tàu cá QNg 96382 Ts, do ngư dân Bùi Văn Phải (sinh 1989), ở xã An Hải làm chủ, có 9 thuyền viên đi cùng. Sau khi bị phía Trung Quốc bắn cháy ca bin khi đang hoạt động đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, nhưng may mắn thoát nạn trở về, tàu của ngư dân Phải được TLĐLĐ Việt Nam trao 30 triệu đồng.
Ngoài ra từ các nguồn khác cũng đã hỗ trợ cho chủ tàu Phải và ngư dân đi cùng với tổng số tiền ước trên 400 triệu đồng. Nhờ đó các ngư dân có điều kiện sửa chữa phương tiện tiếp tục ra khơi.
Chính những việc làm thiết thực như vậy nên NĐNC đã dần nhận được sự tin yêu của ngư dân địa phương. Theo đó số lượng thành viên tham gia ngày càng đông. Tính đến thời điểm này, số lượng đoàn viên của NĐNC An Hải đã lên đến 689 người/58 tàu thuyền, tăng 261đoàn viên/22 tàu thuyền so với mới thành lập.
Và từ NĐNC đầu tiên đến nay, Quảng Ngãi đã có tất cả 6 nghiệp đoàn, với 2134 đoàn viên/355 phương tiện. Với ngư trường đánh bắt chủ yếu là 2 vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bà Ngô Thị Kim Ngọc, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Quảng Ngãi, đơn vị quản lý các Nghiệp đoàn nghề cá của tỉnh tâm sự: Vì mới thành lập nên các Nghiệp đoàn hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên nhờ sự chỉ đạo từ Tổng LĐLĐ Việt Nam và tỉnh, nên hoạt động của các nghiệp đoàn đã dần ổn định, từng bước phát huy và khẳng định vai trò của mình. Và thật sự trở thành chỗ dựa vũng chắc cho ngư dân.
Công Xuân