Dân Việt

Bali: “Thiên đường” bên bờ vực thẳm

10/06/2013 06:44 GMT+7
(Dân Việt) – Bali đang đối mặt với những hậu quả môi trường như cạn kiệt nguồn nước, ô nhiễm do lượng rác thải quá lớn… và sự biến đổi về mặt văn hóa-xã hội do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương.

Indonesia là “đất nước vạn đảo” với hàng ngàn đảo lớn nhỏ, nổi tiếng nhất là hòn đảo Bali xinh đẹp với những bãi biển xanh biếc trải dài bên bờ cát trắng, những khu rừng xanh bạt ngàn. Nhưng dường như các mỹ từ dành cho Bali như “thiên đường nhiệt đới”, “bình minh của thế giới”, “thiên đường tình yêu”... không hoàn toàn đúng nữa...

Bali hấp dẫn du khách vì khí hậu mát mẻ, trong lành cùng những cảnh đẹp như tranh vẽ. Nhưng tất cả những điều đó đang dần mất đi dưới bàn tay tàn bạo của các nhà đầu tư vào du lịch. Do đáp ứng nhu cầu của lượng du khách ngày càng đông, Bali đang đối mặt với những hậu quả môi trường như cạn kiệt nguồn nước, ô nhiễm do lượng rác thải quá lớn… và sự biến đổi về mặt văn hóa-xã hội do sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương.

img
Bali đảo “thiên đường”

Biến đổi Văn hóa - Xã hội

Đa số dân Indonesia theo đạo Hồi, nhưng tôn giáo chính ở Bali là đạo Hindu với các ngôi đền huyền bí, những điệu nhảy điêu luyện cùng nghệ thuật hội họa truyền thống, có thể nói văn hóa ở Bali là độc đáo nhất và có từ thế kỷ 14. Khi du lịch bắt đầu phát triển mạnh vào đầu thập niên 1970, nó bắt đầu gây phiền toái, các đền thờ tôn nghiêm yên tĩnh chật cứng khách du lịch tạo nên cảnh tượng ồn ào, bát nháo. Ngoài ra, du khách thường có hành vi hoặc lối ăn mặc không phù hợp, vô tình xúc phạm đến tín ngưỡng của dân địa phương.

Từ lâu, một số điệu múa đặc trưng của văn hóa địa phương chỉ biểu diễn vài năm một lần vào những ngày lễ truyền thống, bây giờ lại được biểu diễn hằng ngày tại các nhà hàng, khách sạn làm mất đi bản sắc và ý nghĩa vốn có. Điều tương tự cũng xảy ra với nghệ thuật hội họa khi các họa sĩ bắt đầu từ bỏ những nét vẽ truyền thống để chạy theo phong cách Tây phương nhằm được lòng du khách và được trả thù lao cao hơn.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên nếu trong một tương lai không xa, hội họa truyền thống ở Bali bị biến mất. Bên cạnh các tác động tiêu cực lên những nét đẹp truyền thống, sự phát triển du lịch còn khiến tỷ lệ tội phạm tăng lên trong những năm gần đây, say xỉn, nghiện hút, du côn và mại dâm là những tệ nạn không hiếm tại Bali ngày nay.

Ngày 12.10.2002, Bali bị đánh bom khủng bố ở bãi biển Kuta khiến 202 người chết và 240 người bị thương. Thêm vụ đánh bom khác vào ngày 1.10.2005,tại bãi biển Jimbaran và Kuta làm 20 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Nạn nhân của hai vụ khủng bố hầu hết đều là khách du lịch nước ngoài. Thủ phạm là những tín đồ Hồi giáo quá khích để ngăn dòng người đổ về Bali ngày một đông. Họ cho rằng người Bali quá dễ dãi đối với khách nước ngoài làm mất đi bản sắc văn hóa và tôn giáo của người Indonesia. Điều đó cho thấy du lịch đem đến lợi nhuận khổng lồ nhưng lại biến Bali trở thành nơi không an toàn.

img
Rác thải tràn ngập Bali

Khan hiếm nguồn nước

Hệ thống thủy lợi ở Bali là một hệ thống phức tạp với nguồn nước chảy từ các kênh vào thẳng các đồng ruộng, trang trại, dân địa phương gọi là subak. Nguồn nước chảy từ sông suối qua các cánh đồng lúa giúp hệ thống subak hoạt động, nhưng nay lại được bán cho các công ty nước uống để họ lọc lại, đóng chai rồi bán cho du khách hoặc dùng để phục vụ các hoạt động giải trí ở các khu du lịch. Dù nơi đây có lượng mưa nhiệt đới dồi dào mỗi năm, nhưng lượng nước sạch vẫn trở nên cạn kiệt theo thời gian.

Các doanh nghiệp và các hộ gia đình thường sử dụng nguồn nước từ giếng. Hằng năm, số lượng giếng được khai thác lớn đến nỗi chúng bị nước biển xâm nhập. Nhà nghiên cứu của Đại học Udayana tại Bali - Nyoman Sunarta - cho rằng hiện tượng ngập mặn khiến chất lượng nước đang xuống cấp một cách đáng báo động.

Ông lo ngại càng nhiều các khách sạn, biệt thự, sân golf được xây dựng để phục vụ cho khách du lịch, thì số lượng cũng như chất lượng các khu rừng, con sông và thác ghềnh càng giảm, dẫn đến tình trạng nguồn nước giảm mạnh. Tiến sĩ người Anh Stroma Cole cho biết 260 trên 400 con sông ở Bali đã khô cạn. Nổi bật nhất là hồ Buyan, một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất ở đây - cũng là nguồn dự trữ nước lớn nhất - đang gặp phải những vấn đề như giảm lượng nước, ô nhiễm bởi hóa chất nông nghiệp.

Thảm họa rác thải

Công nghiệp du lịch phát triển mạnh khiến giá bất động sản tại Bali tăng chóng mặt. Dân địa phương đua nhau bán ruộng đất cho những nhà đầu tư để họ xây dựng khách sạn, biệt thự và các trung tâm mua sắm xa hoa. Số phận của các ruộng bậc thang xanh mướt từng làm bao người đắm say vì khung cảnh thần tiên của nó cũng bị san bằng, để nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng. Tốc độ tàn phá khoảng 1.000ha/năm và không có dấu hiệu dừng lại.

Càng nhiều khu du lịch mọc lên càng làm tăng lượng chất thải ở Bali. Ngày nay, nếu du khách đi câu cá, lướt sóng, bơi lặn hay dạo quanh bờ biển ở Bali, họ sẽ được chứng kiến hàng tấn rác thải khổng lồ. Gusti Lanang Oka, một cựu ngư dân nói: “Các con sông bẩn đến nỗi không còn sử dụng được nữa. Nếu bơi ở đó, chúng tôi sẽ bị mẩn ngứa. Biển thì ô nhiễm nặng khiến cá chết hết”.

Rác thải khiến các ngư dân phải từ bỏ công việc của mình. Tình trạng thiếu nước và giá đất tăng cao gây khó khăn cho nông nghiệp. Tổ chức bảo vệ môi trường Walhi cho rằng ngành công nghiệp du lịch phải chịu trách nhiệm về sự ô nhiễm của 13 bãi biển nơi đây. 3,2 triệu dân địa phương và gần 3 triệu du khách thải ra 20.000m2 rác mỗi ngày. Ba phần tư số rác này không được dọn dẹp hoặc tái chế và nó làm ô nhiễm các khu rừng. Wayan Suardana, người đứng đầu tổ chức môi trường địa phương, nói: “Rừng ngập mặn bảo vệ đảo khỏi xói mòn và sóng thần. Thế mà nay nó lại bị ô nhiễm nặng do du lịch đem lại”.

Giải pháp nào cho "thiên đường"?

Du lịch đến Bali tăng 12% hằng năm, dự đoán năm nay lượng du khách là 3,1 triệu người. Dân nhập cư từ những tỉnh thành nghèo cũng kéo đến tham gia cơn sốt du lịch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cơn sốt này sẽ không còn tồn tại lâu dài nữa. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngurah Wijaya cho rằng: “Chúng tôi hoàn toàn phản đối việc xây dựng vô tội vạ các khách sạn tại Bali. Chúng tôi sẽ ban hành một sắc lệnh để đưa mọi thứ vào trật tự. Chúng tôi muốn du khách đến với một Bali xinh đẹp và an toàn”.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các quy định đều được thực hiện một cách nghiêm túc? Điều này rất khó vì Indonesia cho quyền tự trị ở từng khu vực. Các quan chức chính quyền địa phương thường bị đồng USD làm lóa mắt. Họ thường bị giằng xé giữa việc bảo tồn các cảnh quan và lợi nhuận do du lịch đem lại, nên họ chưa thật sự mạnh tay trong việc đưa Bali vào khuôn khổ.

Ông Made Suanatha ngao ngán nói: “Chúng tôi có kế hoạch rõ ràng để gìn giữ, bảo tồn các ruộng lúa và quản lý Bali một cách có tổ chức, nhưng các nhà làm luật không đủ cứng rắn để bắt mọi người tuân theo. Chúng tôi có rất nhiều quy định nhưng tuân thủ rất ít”. Một ví dụ cụ thể cho điều này là khi lệnh cấm xây dựng thêm khách sạn mới được ban hành vào năm 2011, nhưng các nhà đầu tư lại thản nhiên đạp lên quy định đó. Gần đây nhất, khách sạn Mulia với sức chứa 700 phòng được xây dựng trên bãi biển Nusa Dua. Điều này càng làm tình trạng ô nhiễm trên đảo thêm trầm trọng.

Ngoài những nỗ lực để bảo vệ cảnh quan, môi trường ở Bali, các nhà chức trách cần phải siết chặt an ninh để giảm tỷ lệ tội phạm trên đảo. Nếu chính quyền ở Bali không nhanh chóng có những hành động thiết thực để cứu lấy hòn đảo thì thế hệ mai sau có thể chỉ được ngắm “thiên đường” qua tranh ảnh mà thôi.

Theo Thế giới & Hội nhập