Đến ngày 10.4, các vết bỏng trên cơ thể cháu Thắm được điều trị hết nhiễm trùng, đã cấy da mới, đang tiến triển tốt. Sức khỏe của cháu đang dần hồi phục.
Theo bác sĩ Hưng, bệnh nhi Thắm nhập viện cách đây gần một tháng trong tình trạng bị bỏng lửa vùng mông, lưng, đùi rất nặng. Khi nhập viện, cháu Thắm phản xạ chậm, sốt cao, da nhợt, mất nước, mất nhiều protein của cơ thể; các vết bỏng nhiễm trùng nặng, nhiều chỗ bị hoại tử, bốc mùi, nguy kịch đến tính mạng.
Bác sĩ thay băng, chữa các vết bỏng cho cháu Lương Thị Thắm |
Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã truyền dịch, truyền đạm để hồi sức và tiến hành chữa các vết bỏng cho cháu Thắm. Do vết bỏng của bệnh nhi rất nặng, để quá lâu nên việc điều trị khó khăn và kéo dài.
Bà Lê Thị Hoa - mẹ cháu Thắm - kể lại: Thắm bị bỏng lửa cách đây hơn hai tháng, trong lúc sang nhà bạn chơi. Khi người lớn phát hiện thì đã muộn, dẫn đến Thắm bị bỏng nặng. Suốt một tháng đầu gia đình bà Hoa đưa Thắm đi chữa bỏng ở nhà một số lang băm, vì tin lời lang băm có thể chữa khỏi vết bỏng.
Đến khi chữa mãi không khỏi, tốn kém hơn 20 triệu đồng nhưng vết bỏng lại nặng thêm, sức khỏe bệnh nhi suy kiệt, ngày 12.3 gia đình mới đưa đến bệnh viện chữa trị.
Bác sĩ Hưng cho biết thêm nếu gia đình đưa ngay đến bệnh viện khi mới bị bỏng để chữa trị thì cháu đã được chữa khỏi từ lâu. Đây là một trong những ca bị bỏng nặng mà bệnh viện chữa khỏi, sau khi gia đình bệnh nhi đã đưa đến các lang băm.
Vì vậy, khi các cháu nhỏ bị bỏng, gia đình nên đưa đến các cơ sở y tế để chữa ngay, không nên tin vào lời lang băm chữa bỏng phản khoa học, gây nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, nếu bị bỏng nặng, không chữa kịp thời sẽ phải điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình vận động của trẻ, để lại sẹo lớn, có khi dẫn đến tử vong.