Dân Việt

Dược liệu quý “chảy máu”: Chưa có chế tài xử lý

13/04/2011 20:07 GMT+7
(Dân Việt) - Trước thực trạng các dược liệu quý hiếm đang bị khai thác bừa bãi, cạn kiệt dần, các chuyên gia, bác sĩ nghiên cứu về lĩnh vực này hết sức lo ngại. Sự lo ngại ấy càng có cơ sở vì trong thực tế, các địa phương chưa thắt chặt quản lý việc khai thác, buôn bán dược liệu.

Thiếu sự quan tâm và gìn giữ

Trước tình trạng chảy máu các loại dược liệu quý hiếm, TS Trần Công Khánh - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền (CREDEP) cũng như các nhà nghiên cứu khác không khỏi lo lắng.

img
Dược liệu quý ở các tỉnh miền núi phía Bắc bị khai thác và xuất bán bừa bãi, rất lãng phí

“Việt Nam được xếp thứ 16 trên 25 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Nhiều nhóm sinh vật có tính đặc hữu cao, có giá trị khoa học và thực tiễn. Nếu so sánh với khoảng 20.000 loài cây làm thuốc đã biết trên thế giới, thì số loài cây thuốc ở Việt Nam chiếm 19%. Đó là chưa kể tới hàng ngàn loài cây thuốc gia truyền của các dân tộc thiểu số mà các nhà khoa học mới chỉ biết một phần” - ông Khánh cho hay.

Lý giải vì sao cây thuốc quý ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng báo động, TS Khánh nhận định: Có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự thiếu ý thức của những người chuyên vào rừng tìm kiếm, khai thác bừa bãi tài nguyên thiên nhiên, sự hiểu biết chưa đầy đủ về bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc; còn cách thức sử dụng thì rất lãng phí.

Ngoài ra, một điều cần chú ý nữa là do tình hình thi hành pháp luật về bảo vệ rừng chưa nghiêm nên nhiều khu rừng vẫn bị chặt phá, khai thác bừa bãi. “Lâm tặc” vẫn hoành hành ở nhiều nơi, triệt phá tài nguyên của rừng (trong đó có cây thuốc) mà đến nay, sau nhiều năm diễn ra rất rầm rộ ở nhiều tỉnh, vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Bức xúc về vấn nạn chảy máu "thần dược", TS Trần Văn Ơn - Trưởng bộ môn Thực vật (Trường ĐH Dược Hà Nội) cho hay: "Mấu chốt của vấn đề là do sự quan tâm của các nhà quản lý chưa đúng mức. Ngay cả chính những nhà khoa học trong lĩnh vực đông y cũng chưa có những nghiên cứu cụ thể để đưa ra những cảnh báo cho người dân về sự quý hiếm của các cây thuốc, và việc lợi ích của việc gìn giữ các loại cây này”.

Không ai quản lý, kiểm soát

Trao đổi với phóng viên về tình trạng dược liệu quý bị khai thác bừa bãi để xuất bán thô, ông Hoàng Văn Bằng - Phó phòng Nghiệp vụ, Chi cục Hải quan tỉnh Cao Bằng cho rằng, cây thuốc là loại lâm sản phụ và chiểu theo quy định hiện hành thì việc quản lý khai thác các loại lâm sản phụ thuộc phạm vi thẩm quyền của các chủ rừng. Muốn ngăn chặn tình trạng khai thác, mua bán dược liệu bừa bãi, cần phải đưa ra một danh mục hạn chế hoặc cấm xuất khẩu...

img
 

Theo một đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng, đối với lâm sản phụ thuộc loại quý hiếm cấm không được khai thác phục vụ mục đích thương mại quy định tại Nghị định 32/2006, cho đến tháng 5.2010 tỉnh này chưa phát hiện được vụ nào mua bán, vận chuyển trái phép qua biên giới. Còn việc khai thác và trao đổi tại địa phương gần như chưa có sự quản lý cũng như thống kê. Vì thế, suốt mấy chục năm qua, cây thuốc quý cứ “lầm lũi” kéo nhau qua biên giới mà chẳng ai ngăn cản. Khi cây thuốc quý đã cạn kiệt, tất cả mới hối hả đi tìm nguyên nhân thì đã muộn.

Ông Bùi Văn Định - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Theo quy định, đối với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên thì tuyệt đối không được khai thác dược liệu. Đối với rừng thông thường thì hoạt động khai thác dược liệu phải có giấy phép. Tuy nhiên, việc quản lý khai thác dược liệu hiện nay trên địa bàn Bắc Kạn đang bị bỏ ngỏ”.

Ngay cả những nhà khoa học trong lĩnh vực đông y cũng chưa có những nghiên cứu cụ thể để đưa ra những cảnh báo cho người dân về sự quý hiếm của các cây thuốc, và việc lợi ích của việc gìn giữ các loại cây này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các loại dược liệu quý hiếm ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang bị thất thoát, sử dụng lãng phí là do chưa được phổ biến mà vẫn chỉ lưu truyền trong các phòng khám, cơ sở chữa bệnh đông y ở mỗi tỉnh, chưa tạo được sự trao đổi, chia sẻ nghề nghiệp giữa các lương y, phòng khám ở các vùng, miền, địa phương với nhau để làm giàu thêm kho tàng tri thức y học cổ truyền. Trong khi đó, nhiều cơ sở y học của nước ta lại nhập khẩu những dược liệu tương tự từ Trung Quốc nhưng với chất lượng thấp hơn, giá thành rẻ hơn.

Để bảo tồn dược liệu quý, Hội Đông y tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch phát triển dược liệu tỉnh Bắc Kạn từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Mới đây, Hội Đông y tỉnh cũng đã đề nghị UBND tỉnh ban hành quy chế "Quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn" và cho thành lập Trung tâm Y Dược học cổ truyền trực thuộc Tỉnh Hội.

Liệu việc lập các trung tâm bảo tồn dược liệu như một số địa phương đã làm sẽ giảm tình trạng chảy máu dược liệu quý hiếm hay cơ quan chức năng cần có một cơ chế quản lý chặt hơn nữa?