Dân Việt

Đấu võ với đệ tử Hoàng Phi Hồng: Ăn đòn vẫn sướng

17/04/2011 07:38 GMT+7
Dân Việt - Sau cuộc đấu võ tôi mới nhận ra rằng, ngoài võ thuật thì tài kinh doanh của Hoàng sư phụ cũng khiến người ta phải học hỏi rất nhiều.

“Tiểu anh hùng” trong cuộc chiến

img

Tác giả với thế võ “tay hổ hạc, chân túy quyền” trước bàn thờ Hoàng sư phụ

Tại bàn đăng ký đấu võ, tôi chỉ được hỏi đúng ba điều: Tên tuổi, thời gian luyện võ và có tiền sử về bệnh tim mạch hay không. Tôi trả lời tắp lự, cơ bản là trung thực duy có mỗi thời gian luyện võ tôi khai “khống” lên thành 20 năm (Kì thực thì một ngày cũng không).

Sự ăn gian này khiến tôi mang họa, sau này, anh Lương Kế của ban quản lý bảo tàng Hoàng Phi Hồng cho hay: Hỏi thời gian luyện võ cốt để chọn một võ sư xứng tầm. Như loại “võ công thâm hậu” - 20 năm công lực như tôi thì chắc họ phải cử cao thủ hàng đầu ra tiếp chiêu. Khổ quá! Nói phét gì không nói lại nói phét vào đúng phần quan trọng nhất.

Người đăng ký đấu võ ngay sau tôi khệnh khạng vô cùng. Y không tự đi đến bàn đăng ký mà bắt một phụ nữ công kênh y trên vai. Gã cao thủ võ lâm sẽ cùng tôi đại phá Bảo Chi Lâm này tên là A Phong, hắn luyện tập võ công từ bé đến bây giờ, hiện tại hắn đã có ... 5 năm công lực.

Cậu bé A Phong vừa tròn 5 tuổi này quả là nghịch ngợm, hiếu động vô cùng, đi cùng mẹ, mẹ bắt được quả cầu và A Phong thay mẹ thách đấu với Bảo Chi Lâm. Lúc thì cu cậu chạy ra vặt đám lông của con lân gần đấy, lúc thì lại nhăn mặt, lè lưỡi với di ảnh của Hoàng Phi Hồng to đùng treo trên sảnh diễn võ.

Phải vất vả lắm mẹ cậu mới bắt cậu đứng nghiêm trước bàn thờ của Hoàng sư phụ để chụp ảnh. Ba người còn lại nhìn khá nghiêm túc, thái độ đĩnh đạc (Không khéo có võ thật chứ chả chơi).

Trong lúc ngồi chờ để các nhân viên ban quản lý chuẩn bị, tôi chơi với A Phong, khi đấm nhau đùa với cu cậu, tôi giật mình vì cậu bé có nhiều cú đấm khá “ác”, cũng đau chứ không phải đùa. A Phong là người Hongkong nhưng bố mẹ đều gốc dân Quảng Đông, ông bà nội chú đều ở Quảng Châu.

Thứ Bảy, Chủ nhật hai mẹ con lại về quê chơi, bây giờ chuyện đi lại giữa Đại lục và Hongkong rất dễ dàng, chỉ mất vài chục tệ tiền xe. Tại Hongkong tuy chưa đến tuổi đi học nhưng A Phong đã được bố cho đi học võ Thiếu lâm.

Chị Thu Nguyệt, mẹ A Phong cho biết: Những năm trước đây, khi tình hình đi lại giữa Đại lục và Hongkong còn khó khăn, các gia đình từ Đại lục di cư sang đều cho con đi học võ Thiếu lâm như một hành động tưởng nhớ về quê hương. Chắc cu cậu xem nhiều phim võ thuật nên luôn nhận mình là Hoàng Phi Hồng, còn mẹ cậu là Dì Mười Ba khiến mọi người cười ngất ngư.

Dẫn chúng tôi qua mấy đại sảnh, cuối cùng cũng đến nơi đặt bàn thờ Hoàng sư phụ. Bàn thờ trang trọng bằng gỗ đàn hương, tấm họa toàn thân Hoàng sư phụ đĩnh đạc trên ban thờ. Chúng tôi (5 cao thủ võ lâm giang hồ) được thắp mỗi người một nén hương và được tạo dáng bên ban thờ của Hoàng Phi Hồng để chụp ảnh.

Tôi bắt chước tạo dáng như kiểu Lý Liên Kiệt trong mấy bộ phim võ thuật (Hình như là Hổ hạc song hình quyền thì phải). Sau này nhìn bức ảnh, anh Lương Kế cười lăn lộn bảo tôi: Tay quyền thế kia thì đúng là Hổ hạc song hình quyền rồi nhưng thế đứng tấn của chân là kiểu Túy quyền (tức võ say). Quái! Đã uống hớp rượu nào đâu mà lại chuyển sang thành võ say thế nhỉ?

Làm lễ xong, 5 võ sư thi đấu với chúng tôi xếp hàng cùng chúng tôi tuyên thệ: Khi bước vào sân đấu thì không được mang lòng thù hận, không mang lòng vụ lợi và không được sợ hãi, nếu vẫn một trong ba điều ấy trong đầu óc thì xin hoãn thi đấu vẫn chưa muộn.

Cả đám võ lâm thách đấu gật đầu lia lịa, thể thức thi đấu là “đánh” ba hiệp, mỗi hiệp hai phút, muốn mặc giáp bảo vệ hay không thì tùy nhưng phải đeo găng đấm bốc và đeo tấm nhựa bảo vệ hạ bộ. Riêng cậu nhỏ A Phong được miễn khoản đeo găng và đeo tấm nhựa bảo vệ vì các thứ đó đều quá to so với cậu. Mỗi người lại được ký một tờ cam đoan là nếu có chấn thương gì mà đối phương không phạm luật thi đấu thì không được khiếu nại.

Sau lúc hành lễ và nghe lời tuyên thệ trang trọng nhất là kí tờ cam đoan bỗng thấy không khí nghiêm túc lạ thường, tôi cùng ba vị kia lấm lét nhìn nhau, duy có mỗi A Phong là coi thường không sợ gì cả.

Mất tiền, ăn đòn vẫn vui

Bầu không khí càng “nghiêm trọng” hơn khi bước ra sân đấu đầy kín người. Mỗi cặp đấu khi được xướng lên thì võ sư bên Bảo Chi Lâm lại đi một bài quyền ngắn, mấy kẻ đi thách đấu thì chỉ giơ tay chào bà con xung quanh như cầu thủ đá bóng sau khi ghi bàn.

Sau khi cân nhắc đầy đủ, tôi nhận ra rằng: Mặc giáp bảo vệ cũng chẳng để làm gì, cái mặt mình vẫn phơi ra đấy, mấy cao thủ này “táng” cho một phát vào đấy thì vẫn tiêu đời. Chính vì thế tôi chọn phương án không mặc giáp bảo vệ cho thoáng đãng con người. Dù biết là thi đấu biểu diễn nhưng vẫn ghê ghê, nhỡ đâu nhìn cái mặt mình lấc cấc quá, mấy vị lại nổi nóng tương cho một quả thật thì không biết thế nào. Nhìn sang mấy vị đi thách đấu kia cũng mắt la mày lém như tôi. Chán mớ đời!

A Phong đã cứu cho cái không khí lo âu ấy. Vào trận ở đợt đầu, A Phong tung luôn cú đá về phía đệ tử Hoàng Phi Hồng, sau đó là tiên tu bất tận, hết đấm lại đá. Anh chàng võ sư chạy quanh vừa tránh đòn vừa lo đỡ A Phong dậy mỗi khi cậu ra đòn mạnh quá khiến bước chân mình bị loạng choạng.

Mẹ cậu mới đầu lo âu đứng sát sân đấu, bây giờ cười nghiêng ngả. Lúc dồn đối thủ đến sát rìa sân đấu lại bị đối phương dắt tay quay lại giữa sân, cậu bực lắm la hét liên hồi. Cuối cùng vì quá sợ đòn “sư tử hống” của A Phong đến từ Hongkong, đệ tử Hoàng Phi Hồng đã xin thua sau khi kết thúc hiệp hai. Đúng hơn là mẹ cậu xin cho cậu nghỉ vì sợ cậu mệt, tối ngủ lại đái dầm.

Lần lượt chúng tôi vào thi đấu, các võ sư chỉ ra đòn lấy lệ còn chủ yếu là chịu đòn và đỡ đòn của đối phương. Mỗi khi trúng một đòn (dù nhẹ hều), mấy vị võ sư vẫn lộn tung người làm như cú đòn ấy có sức mạnh “khai sơn phá thạch” vậy. Kiểu “ăn đòn có bài bản” này khiến mấy người thách đấu sướng mê, thi nhau ra các đòn đủ kiểu để “đánh tung người” đối phương.

Là người thi đấu cuối vào lúc “quân hồi vô phèng”, tôi mạnh dạn ra đòn, đấm đến hai quả liền vào bụng mà đối thủ kia vẫn ườn mình cho đấm, thậm chí còn không thèm đỡ, tôi thoáng bực mình. Hít hơi dài, tôi bặm môi “uých” một cú hết công suất vào bụng anh chàng kiêu ngạo ấy.

Thật lạ là cú đấm ấy dường như gặp một đám bông, quả đấm lút sâu vào trong bụng đối thủ, chưa kịp ngạc nhiên thì cánh tay bỗng tê chồn vì cái bị bông ấy đột nhiên như nổ bung ra, rắn như đá, không kịp rút tay về, phản lực khiến cổ tay tôi nhói buốt. Thôi chết! Mình hung hăng quá nên ông này ra đòn kín đây. Lúc mình đấm vào, hắt thót bụng sau đó phình bụng ra. Thôi! Thế thì lại đấm nhẹ, đá nhẹ để xem mấy vị này lộn ngược, lộn xuôi.

Kết thúc trận đại chiến, Bảo Chi Lâm đại bại với tỉ số 0 - 5. Những kẻ đi thách đấu hớn hở bỏ ra 200 tệ để lấy giấy chứng nhận về một lần “tàn phá” Bảo Chi Lâm. Sung sướng không thể tả! Thật lạ kỳ cho ngành kinh doanh du lịch Phật Sơn, không chỉ những người xung quanh mà ngay cả cậu phiên dịch cũng ghen tị với tôi vì đã không “được tiêu” số tiền 200 tệ ấy.

Sau buổi đấu, trong cuộc nói chuyện nghiêm túc, tôi thẳng thắn hỏi Lương Kế: “Tại sao ở Bảo Chi Lâm không bán đồ lưu niệm thoải mái, muốn mua bao nhiêu thì mua? Tại sao không gieo nhiều hơn các quả cầu để có thêm được nhiều người thách đấu với nhiều hơn những số tiền 200 tệ”.

Sau khi xin lỗi, Lương Kế khẳng định tôi là kẻ không biết gì về kinh doanh. Sau đó anh lấy ví dụ về các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới: Điện thoại di động Vetur, xe Rolls-Royce... là những thứ vĩnh viễn không thể sản xuất đại trà. Sự xuất hiện với số đông của các sản phẩm này đồng nghĩa với việc bóp chết chúng.

Tại Phật Sơn, Hoàng Phi Hồng đã trở thành một thương hiệu hạng sang, vì thế mỗi khi dùng một sản phẩm gì (hữu hình hay vô hình) liên quan đến Hoàng sư phụ, các nhà kinh doanh đều phải “bắt’’ khách hàng trân trọng món hàng ấy.

Nếu ai đến Bảo Chi Lâm cũng đều được thách đấu và đấu võ thì ngôi sao Thành Long đã không phải bỏ mất thời gian vàng ngọc của mình để tìm mọi cách được đứng trên sân đấu kia. Và tất nhiên một người tiêu mất tới gần 400 tệ (hơn 1 triệu đồng) tại đây như tôi cũng chả thấy hồ hởi (vì được tiêu tiền) đến thế.

Từ những nguồn thu với thương hiệu Hoàng Phi Hồng này, đã có một trường giáo dục thể chất được lập ra tại Hongkong và Hiệp hội võ thuật quốc gia Hoàng Phi Hồng cũng được lập ra từ nguồn thu đó.

Xin tỏ lòng khâm phục tới võ thuật và tài kinh doanh của Hoàng Phi Hồng và lớp hậu duệ.