Ông này không có bản giới thiệu sự nghiệp hoành tráng như những ứng viên khác, chỉ từng dẫn dắt Hertha Berlin hay 1860 Munich, cũng không đáp ứng được tiêu chí "am hiểu bóng đá Đông Nam Á" như các chuyên gia tuyển chọn đã đề cập.
Lợi thế lớn nhất mà Falco Goezt có được chính là việc ông chấp nhận mức lương vừa phải, trong khả năng chi trả của VFF. Điều ấy cũng tốt, trong bối cảnh nhà nhà "thắt chặt chi tiêu" thì việc chọn một ông thầy vừa tiền cũng là một bước đi đáng khích lệ. Còn nhớ, Thái Lan 3 năm trước từng rước ông thầy "triệu đô" Peter Reid về nhưng không mang lại kết quả gì, điều đó cho thấy lương cao chưa chắc đã mang lại thành công.
Vấn đề là nếu đồng lương trở thành căn cứ chính để mời một ông thầy ngoại làm HLV trưởng thay vì khả năng chuyên môn, liệu có là một kế sách hay?
Thực tế, điều mà VFF đòi hỏi có lẽ không phải là chuyện lương cao hay thấp mà chính là chất Đức sẽ được tăng cường ở đội tuyển. Thời đại Calisto là thời đại của tính chiến đấu, sự phù hợp trong việc tận dụng con người và lối chơi đậm chất Latin đã mang lại thành công. Song hạn chế của thời Calisto chính là tính kỷ luật của đội tuyển đã giảm sút rất nhiều. Không có kỷ luật, hoặc kỷ luật yếu đã khiến nội bộ đội tuyển nảy sinh rất nhiều vấn đề và nó trở thành một trong những nguyên nhân khiến ĐTVN chưa thể tìm lại được thành công.
Một ông thầy mới với quan điểm, triết lý bóng đá mới cùng những con người mới sẽ đem lại luồng gió mới. Đó là điều mà bóng đá VN thiếu chứ chắc chắn không phải là vấn đề tiền bạc.
Vi Thành