Dân Việt

Chiếc phà thủng đáy và cái xe cẩu

14/04/2011 18:50 GMT+7
(Dân Việt) - Bóng dáng vụ Vinashin lại hiển hiện đó đây, khi hàng loạt các “ông lớn” đồng loạt kêu lỗ. Dầu khí lỗ. Điện lỗ. Xăng lỗ. Và mới nhất là vụ lỗ đến mức "chuyển cơ quan điều tra" của một DN cho thuê tài chính, tất nhiên là doanh nghiệp nhà nước.

Công ty cho thuê tài chính II-Ngân hàng NNPTNT mua một xe cẩu thuỷ lực 250 tấn của Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Quang Vinh với giá 65 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ 7 ngày trước, Quang Vinh mua chiếc xe cẩu này với giá chỉ chưa tới 32 tỷ đồng. Thương vụ cái xe cẩu này chứa đầy đủ bản chất của việc kinh doanh không bằng tiền túi, không bằng những đồng tiền xương máu của mình.

Bởi vậy, Công ty II, với tư cách là một DNNN, có lỗ đến 3.000 tỷ chỉ trong một năm kinh doanh dường như cũng không làm ai bất ngờ. Thương vụ này chỉ làm người ta thấy thấp thoáng đâu đây bóng dáng vụ Vinashin. Vụ mua xe cẩu này chẳng khác gì việc Vinashin mua chiếc phà thủng đáy rồi gọi mỹ miều là "khách sạn trên biển" với cái tên Hoa Sen. 3.000 tỷ đồng là bao nhiêu?

Là gần một nửa số tiền (7.000 tỷ đồng) mà Chính phủ dự định giảm thuế thu nhập cho 200.000 DN vừa và nhỏ. Vừa bằng số tiền mà Nhà nước hỗ trợ đột xuất (bao gồm cả hỗ trợ tiền điện) cho 15 triệu người nghèo và đối tượng chính sách. Nhưng lỗ đến 3.000 tỷ trong chỉ 1 năm (chưa tính số lỗ nguy cơ có thể lên đến 4.600 tỷ) thì những yếu tố khách quan, hoặc trình độ quản lý, thậm chí cả nguyên nhân tham nhũng, làm trái rõ ràng cũng chỉ là một phần.

Còn có một nguyên nhân khác là sự hiệu quả khi doanh nghiệp công, trong sự phân biệt với doanh nghiệp tư, sử dụng tài sản, sử dụng vốn nhà nước y như của chùa.

Có nhiều điều đáng nói xung quanh số lỗ khổng lồ này. Thứ nhất, số lỗ gấp 8,5 lần vốn điều lệ của Công ty II, đang cho thấy việc vay vốn quá dễ dàng của các DNNN đang gây hoạ cho chính họ. Và thứ hai, việc kinh doanh, rồi báo lỗ lâu nay đã trở thành căn bệnh của các DNNN.

Năm ngoái, khi kết quả giám sát về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được công bố, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã văn bản hoá, đã chính thức hoá một thực tế, rằng: Trong khi chiếm những lợi thế rất lớn về đất đai, về tài nguyên, về khả năng huy động vốn thì hiệu quả sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DNNN nói chung, tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nói riêng còn thấp, chưa tương xứng với quy mô, vị trí và vai trò trong nền kinh tế.

Nhưng câu chuyện cái cẩu trục hay trước đó là chiếc phà thủng đáy còn chứa đựng một câu chuyện khác: Dường như việc kinh doanh, và báo lỗ quá dễ được chấp thuận. Trường hợp gần đây nhất còn cho thấy một khía cạnh khác: Ngoài việc kêu lỗ, DNNN còn đàng hoàng hoặc xin tái cơ cấu, hoặc xin cơ chế đặc biệt. Tổng Công ty Xăng dầu là một ví dụ: Lỗ 3.600 tỷ chỉ trong 3 tháng, và họ xin có một tỷ giá riêng.

Chừng nào việc sử dụng vốn nhà nước còn "của chùa" với toàn "cơ chế cà rốt" chưa chấm dứt thì rõ ràng những "thương vụ xe cẩu" chỉ là sự tiếp nối những chiếc "phà thủng đáy" mà thôi.