Mấu Văn Liếng và vườn mía tím thu lãi 70 triệu đồng/năm. Ảnh: Mai Khuê |
Mấu Văn Liếng lái chiếc xe máy hiệu Yamaha mới cứng lao qua nhiều con dốc ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi vào thăm "dinh cơ" của anh. Sau lưng căn nhà khang trang là khu vườn rộng hơn 1ha, nơi hàng năm sinh lợi hơn 100 triệu đồng cho gia đình anh.
Xuất thân từ gia đình người Rắc Lây nghèo, có tới 7 anh chị em, nhưng không như nhiều thanh niên dân tộc khác trong buôn, Liếng là một trong số rất ít thanh niên ở xã theo học hết cấp III. Do gia đình khó khăn, anh không thể tiếp tục học lên. Năm 2005, Liếng lấy vợ và được bố mẹ vợ chia cho 7 sào đất rẫy trồng bắp và mì. Nhưng cả một năm cần cù, đôi vợ chồng trẻ vẫn đói dài vì khi đến mùa thu hoạch chỉ thu được ngót 3,5 triệu đồng.
Không thể cam chịu cảnh sống leo lét, anh đề xuất với Hội ND xã tín chấp cho anh vay 5 triệu đồng. Sau khi tham quan một số mô hình trồng mía tím ở các địa phương lân cận, anh mua 1 con bò mẹ và trồng 1 sào mía tím từ đồng vốn ít ỏi này.
Thấy vườn mía của bà con không lớn nổi do thiếu nước, anh dẫn nước từ suối cách đó hàng trăm mét về tưới cho mía. Sau hơn 9 tháng chăm sóc, mía lên xanh tốt, cao, khỏe. Mùa thu hoạch mía đầu tiên anh lãi được 7 triệu đồng từ 1 sào mía tím.
Thấy mình đi đúng hướng, bao nhiêu lãi anh đầu tư mở rộng diện tích mía tím, chăm đàn bò đang sinh sôi và đa dạng cây trồng theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Đến nay gia đình anh có 8 sào mía tím, 8 sào bắp lai, 3 sào cà phê, 1 sào táo, 20 bụi sầu riêng và 8 con bò cái, hàng năm cho thu hoạch trên 100 triệu đồng. Nhiều gia đình nhờ Liếng hướng dẫn đã tạo nên những vườn cây cho năng suất, lợi nhuận cao tại cái buôn vốn mấy đời đói nghèo này.
Từ năm 2005, khi mới tròn 27 tuổi, anh đã được bà con trong buôn Hòn Dung tín nhiệm bầu làm trưởng thôn hay trân trọng gọi anh là “già làng”.
Mai Khuê