Dân Việt

Sẽ công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm

24/11/2012 06:05 GMT+7
(Dân Việt) - “Việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu, phê chuẩn là đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri. Sau khi bỏ phiếu tín nhiệm, QH sẽ công khai kết quả bỏ phiếu".

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định như vậy tại buổi họp báo kết thúc kỳ họp QH vào chiều qua, 23.11.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, sau 25,5 ngày làm việc, kỳ họp thứ 4, QH khoá XIII đã hoàn thành việc thông qua 9 dự án luật, thảo luận nhiều dự án luật, trong đó đáng chú ý có Hiến pháp sửa đổi 1992, Luật Đất đai sửa đổi, Luật Phòng, chống khủng bố... Ngoài ra, QH cũng đã thông qua một số nghị quyết quan trọng, nổi bật là Nghị quyết lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu và phê chuẩn...

img
Nhiều ý kiến cử tri cho rằng, ĐBQH cần có trách nhiệm hơn nữa với cử tri.

Tại buổi họp báo, phóng viên Báo NTNN hỏi: “Khi chất vấn thành viên Chính phủ về công tác điều hành, ĐBQH Dương Trung Quốc có phản ánh về trách nhiệm trước Đảng, tổ chức thì lãnh đạo Chính phủ làm tốt nhưng trách nhiệm trước QH, trước cử tri thì chưa thấy. Vậy, ngoài nghị quyết bỏ phiếu tín nhiệm vừa được thông qua, QH cần có thêm chế tài nào để bắt buộc lãnh đạo Chính phủ, thành viên Chính phủ nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước cử tri?”.

Về câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: QH ngoài việc thường xuyên thực hiện chức năng giám sát thì việc vừa mới thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm cũng là một cách để giám sát trách nhiệm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn.

Nghị quyết này là một bước tiến mới trong hoạt động của QH, là biểu hiện rõ nhất về phát huy quyền dân chủ của QH. Nếu lãnh đạo Chính phủ, các thành viên Chính phủ có tín nhiệm thấp, thiếu trách nhiệm trước nhân dân, QH sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ngay. Tuy nhiên, nếu người có quá nửa tổng số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp thì chúng ta sẽ khuyến khích từ chức để khỏi phải bỏ phiếu.

“Với trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm lần 2 không đủ số phiếu sẽ bỏ phiếu bất tín nhiệm ngay. Và QH sẽ ra nghị quyết về vấn đề này đồng thời công khai kết quả cụ thể” - ông Phúc nói.

“Họp kín là bình thường!”

Tại buổi họp báo, một phóng viên hỏi: Trong thời gian diễn ra kỳ họp, QH đã tổ chức họp kín về vấn đề Biển Đông. Vì sao phải họp kín và việc họp kín này là theo quy định nào? Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: “Họp kín là một hình thức sinh hoạt bình thường của QH. Việc này không chỉ có ở nước ta mà các nước trên thế giới đều thực hiện như vậy. Phiên họp kín về Biển Đông là do QH tiếp thu ý kiến, yêu cầu của ĐBQH”.

Phóng viên NTNN hỏi tiếp: “Ngoài một số thành viên Chính phủ còn chưa thể hiện rõ trách nhiệm trước QH thì cũng có nhiều ĐBQH chưa thực sự có trách nhiệm trước cử tri. Đơn cử như trong thời gian QH bàn về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, nông dân nhiều địa phương, trong đó có điểm nóng Văn Giang (Hưng Yên) đã viết thư mời ĐBQH về khảo sát tình hình và nắm tâm tư của người dân bị thu hồi đất nhưng không ai về. Là Chủ nhiệm Văn phòng QH, người phát ngôn của QH, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Về câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời: “Theo quy định thì ĐBQH ở địa phương nào sẽ có nhiệm vụ nắm bắt, tìm hiểu và phản ánh tâm tư của cử tri địa phương đó lên QH. Mặt khác, trong kỳ họp QH vừa rồi, Uỷ ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc VN cũng đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị cử tri về các mặt bức xúc của cuộc sống.

Riêng về đất đai có 528 trường hợp bức xúc, trong đó có vụ giải toả, cưỡng chế ở Văn Giang. “Về những khiếu kiện đất đai, tại phiên chất vấn, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẳng định giải quyết dứt điểm các vụ việc đang còn tồn tại, còn các vụ việc phát sinh sẽ tiếp tục xem xét, giải quyết. Để có cam kết như vậy, các ĐBQH cũng đã thể hiện được trách nhiệm của mình...”- ông Phúc cho biết.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Đổi mới lớn trong đời sống chính trị

Sáng qua 23.11, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, đánh giá về bước đổi mới quan trọng tại kỳ họp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đó là việc QH thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm với những người giữ các chức vụ chủ chốt được Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. "Đây là bước đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước, nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua thực hiện quyền giám sát của Quốc hội, HĐND đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Quốc hội yêu cầu các ngành, các cấp, các đại biểu Quốc hội và HĐND nhận thức đầy đủ trách nhiệm trước nhân dân, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện việc đánh giá tín nhiệm một cách chính xác đối với các chức danh do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn từ kỳ họp đầu năm 2013.

Cũng theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, tại kỳ họp, QH cũng thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ. QH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tích cực hơn để thực hiện các nội dung đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp trước và kỳ họp này một cách có kết quả và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã dành hơn 12 ngày phân tích, đánh giá thực trạng tình hình kinh tế - xã hội năm 2012. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, năm 2013 là thời điểm giao thời của một giai đoạn phát triển mới, đặt ra nhiều yêu cầu mới trong phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Do đó, Quốc hội xác định nhiệm vụ tổng quát cho năm 2013 là phải tiếp tục phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm lạm phát thấp hơn, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội...