Ngày 5.5, tại cuộc họp đánh giá công tác phòng chống sởi, TS Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội nhận định, Hà Nội đã vào cuộc phòng chống dịch sởi rất quyết liệt, số ca mắc vẫn còn quá ít và số tử vong do sởi là bình thường.
TS Cảm lý giải, tỷ lệ tiêm vaccine sởi của Hà Nội luôn đạt 95-98%, đây là tỷ lệ rất cao mà quốc tế cũng “mơ ước”. Tuy nhiên, như vậy, Hà Nội vẫn còn 2-5% trẻ chưa được tiêm chủng tích lũy qua từng năm. Miễn dịch sởi cũng chỉ đạt 90-95%, như vậy vẫn còn 5-10% trẻ đã tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi vẫn có khả năng nhiễm bệnh. Cộng lại, Hà Nội ước tính có khoảng 70.000-100.000 trẻ vẫn có nguy cơ mắc sởi. TS Cảm nhận định, con số hơn 1.500 trẻ xác định sởi trong số hơn 4.000 ca sốt phát ban nghi sởi từ cuối 2013 đến nay vẫn là còn quá ít.
Theo TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 3.982 trường hợp mắc sởi xác định trong số 14.136 trường hợp sốt phát ban nghi sởi; số ca tử vong và nặng xin về liên quan đến sởi là 133 trường hợp. Số bệnh nhân mắc sởi biến chứng nặng vẫn đứng ở mức cao trong các ngày gần đây. Tại Bệnh viện Nhi T.Ư hiện vẫn còn 268 trẻ đang điều trị; mỗi ngày bệnh viện này vẫn tiếp nhận 20-30 ca sởi biến chứng. Tại khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, số mắc sởi điều trị nội trú vẫn duy trì liên tục 70-80 ca/ngày, cao hơn so với thời điểm tháng 2 và 3.
Theo Bộ Y tế, gần 50% các ca tử vong do sởi và liên quan đến sởi thường trú tại Hà Nội. Tuy nhiên, báo cáo của Y tế dự phòng Hà Nội “chỉ nhận” có 14 trường hợp.
Đà Nẵng ghi nhận thêm 40 ca sốt phát ban nghi sởi. Theo Sở Y tế TP.Đà Nẵng, từ ngày 30.4 đến 3.5, thành phố ghi nhận thêm 40 trường hợp sốt phát ban nghi sởi mới. Hải Châu và Thanh Khê là 2 quận có số ca sốt phát ban nghi sởi nhiều nhất với lần lượt 52 ca và 49 ca. Tính từ đầu năm đến ngày 3.5, Đà Nẵng có tổng cộng 253 ca sốt phát ban. Qua xét nghiệm 66 ca, có 44 ca dương tính với sởi.