Dân Việt

Cho vay ưu đãi để đóng tàu vỏ thép: Nên cho thuê, trả góp tàu

Nhóm P.V 30/05/2014 06:53 GMT+7
Việc Bộ NNPTNT đang đề xuất với Chính phủ một loạt chính sách hỗ trợ chưa từng có cho ngư dân, trong đó có việc ưu đãi lãi suất để đóng tàu vỏ thép, đã gây chú ý cho dư luận những ngày qua.
Làm thế nào để chính sách này đi vào cuộc sống? Báo NTNN đã ghi nhận ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia.

Ông Chu Tiến Vĩnh - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT):Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt

Ngư dân đóng tàu vỏ thép để ra khơi.
Ngư dân đóng tàu vỏ thép để ra khơi.

Chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép lớn ban hành vào thời điểm này thực tế cũng là chậm rồi, bởi hỗ trợ cho ngư dân ra khơi đánh bắt cá không chỉ làm lợi về mặt kinh tế cho đất nước mà còn góp phần bảo vệ và gìn giữ an ninh biển đảo của Tổ quốc. Đáng ra, chính sách này phải có từ mấy năm trước mới hợp lý. Tất nhiên, có hỗ trợ cũng là rất tốt với ngư dân, dù chậm còn hơn không.

Hiện nay, vấn đề Biển Đông đang “nóng” nên tôi nghĩ chính sách này chắc chắn sẽ sớm được ban hành. Trong dự thảo của chính sách này có đề xuất hỗ trợ cho ngư dân vay vốn 90% để đóng tàu thép ra khơi, theo tôi nếu ngư dân được vay 100% với lãi suất thấp và cho vay dài hạn sẽ tăng được số lượng tàu vỏ thép nhiều hơn. Do đó, ngoài điều chỉnh những ưu đãi cao hơn nữa cho ngư dân, theo tôi, Chính phủ phải có chỉ đạo quyết liệt để khi triển khai chính sách này đạt hiệu quả cao.

Trần Văn Quý - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam: Cần có ý kiến ngư dân

Theo tôi, chính sách này khi xây dựng có thể do thời điểm gấp nên cơ quan soạn thảo đã bỏ qua phần lấy ý kiến của ngư dân. Tôi từng làm pháp chế, khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách cho ngư dân thì cần phải lấy ý kiến của chính ngư dân để biết được họ thực sự đang cần hỗ trợ gì.

Nếu không lấy được ý kiến của ngư dân, thì cũng cần lấy ý kiến của những người đại diện cho ngư dân như Nghiệp đoàn Nghề cá, Hội Nghề cá… để khi ban hành chính sách sẽ sát thực hơn.

Qua dự thảo, tôi thấy có một số nội dung như hỗ trợ ngư dân vay vốn 90% giá trị tàu thép, thực tế ngư dân ta còn nghèo, không phải ai cũng có điều kiện đối ứng 10% còn lại để mua tàu nên cần có thêm chính sách thuê tàu. Tất nhiên, đó mới chỉ là dự thảo, quan trọng hơn nữa còn ở quá trình triển khai, nếu không chính sách chỉ nằm trên giấy.

Đại Biểu Trần Du Lịch (TP.HCM): Nên cho thuê hoặc trả góp tàu


Trước đây chúng ta từng có chủ trương cho vay để đóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhưng không thành công. Nay chúng ta phải tính toán lại nên áp dụng phương thức nhà nước chủ động đóng tàu thuyền phù hợp để ngư dân thuê và mua kiểu trả góp.

Bên cạnh đó, phải có vai trò của doanh nghiệp lớn chứ không dựa vào ngư dân đánh bắt nhỏ lẻ. Thế nên, nhà nước phải có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vay vốn đầu tư đóng con tàu lớn gắn với đội tàu của ngư dân.

Tàu lớn làm các dịch vụ ngay trên biển, cung cấp sản phẩm thiết yếu cho ngư dân đánh bắt hàng tháng trên biển. Ngư dân lúc đó chỉ lo đánh bắt, còn việc tiêu thụ sản phẩm đã có doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải có phương thức đào tạo ngư dân theo thời đại công nghiệp hóa chứ không phải ngư dân kiểu cha truyền con nối.

Đại Biểu Đinh Xuân Thảo - Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp:Coi chừng hỗ trợ nhầm đối tượng

Chính sách hỗ trợ ngư dân lúc này là rất trúng, đúng và kịp thời. Đây cũng là vấn đề tôi rất quan tâm. Từ rất lâu, hoạt động đánh bắt ở trên Biển Đông không được đầu tư xứng đáng nê ngư dân ta rất thiệt thòi. Hiện nay, với tình hình Biển Đông như thế, nếu cần Quốc hội nên có nghị quyết về chính sách hỗ trợ đầu tư cho ngư dân bám biển sản xuất, vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa giữ chủ quyền biển đảo quốc gia.

Bình quân, con tàu 500 mã lực vỏ sắt phải đầu tư 5 tỷ đồng. Ngư dân không thể có tiền đầu tư nên nhà nước đứng ra hỗ trợ, cho ngư dân vay vốn với lãi suất rất thấp thôi thì họ mới đóng được tàu. Song, chính sách ưu đãi này phải đảm bảo đúng người, đúng mục đích. Chỉ có ngư dân bám biển thực sự mới được thụ hưởng chính sách này, không thể để rơi vào tay đối tượng khác. Trước đây, khi triển khai chương trình đánh bắt xa bờ, đã xuất hiện những HTX “ma” chỉ lập ra để vay vốn ưu đãi, sau đó bán dự án trong khi ngư dân thực thụ thì lại không tiếp cận được vốn vay.

Đại Biểu Võ Thị Dung (TP.HCM): Thắt lưng buộc bụng để lo cho ngư dân

Chính phủ có đề án để hỗ trợ ngư dân, thì việc quan trọng hàng đầu là phải tạo điều kiện để giúp ngư dân có được những tàu đánh cá đảm bảo việc khai thác đánh bắt, chịu được sóng to gió lớn để vươn khơi lâu ngày. Bên cạnh hỗ trợ cho ngư dân có phương tiện đánh bắt và góp phần bảo vệ chủ quyền thì cần có đề án tổng thể để làm sao đảm bảo được cuộc sống lâu dài của ngư dân, nghĩa là sản phẩm của họ làm ra phải mang lại hiệu quả.

Mặc dù tình hình kinh tế đất nước hiện nay có khó khăn nhưng chúng ta có thể cân đối các nguồn khác. Ví dụ như việc đầu tư những dự án, những công trình chưa cần thiết thì cần tạm hoãn lại. Thứ hai cần tăng cường thắt chặt chi tiêu công, đặc biệt là chi cho quản lý hành chính ta có thể tiết kiệm được, những định mức, những chính sách có thể cắt giảm. Có thể nói trong lúc này những cán bộ công chức và những người đang hưởng lương từ tiền thuế của dân nên thắt lưng buộc bụng để ưu tiên lo cho ngư dân, lo cho biển đảo.