Nuôi cua đồng trên cạn. Ảnh: Báo Vĩnh Long |
Ở miền Bắc, về mùa đông, lượng cua thường khan hiếm do cua chui vào trong hang trú đông giống như ếch, nhái... Nhưng thực tế, tại thủ đô Hà Nội, cua bán quanh năm. Nguồn cua này trong mùa đông là thu gom từ các tỉnh phía Nam (từ đèo Hải Vân trở vào) và từ Campuchia-nơi có khí hậu ấm nóng quanh năm. Không biết cua ở phía Nam và bên Campuchia có bị đánh bắt theo kiểu dùng thuốc sâu ở Quảng Bình hay không?
Hành vi đánh bắt cua bằng thuốc sâu là vi phạm đạo đức, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản. Thuốc sâu tồn dư trong cơ thể cua rất lâu, khi người ăn cua nhiễm thuốc sâu sẽ bị nhiễm độc gan, thận... Có thể trước mắt người ăn cua nhiễm thuốc sâu chưa có biểu hiện nhưng về sau này thì mới phát các loại bệnh. Cua nhiễm thuốc sâu vận chuyển ra Hà Nội vẫn sống có thể là do cấp độ nhiễm độc thấp làm cho cua yếu đi, ức chế thần kinh. Hoặc, có thể người ta bắt cua xong rồi rửa hoặc dội bằng nước sạch làm cho nồng độ thuốc sâu giảm đi, mức độ nhiễm độc giảm nên cua vẫn còn sống.
Cần phải tuyên truyền, hướng dẫn người dân không sử dụng các phương thức đánh bắt độc hại, huỷ diệt đối với thuỷ hải sản, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Cũng cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, nhất là ngành nông nghiệp và các cấp chính quyền xung quanh vấn đề khai thác tuỷ hải sản theo kiểu tận diệt, huỷ hoại môi trường, sức khoẻ con người. Cơ quan quản lý, chính quyền đã thờ ơ nên một số người dân ở Quảng Bình mới đánh bắt cua bằng thuốc sâu. Hành vi đánh bắt cua bằng thuốc sâu rõ ràng vi phạm các điều luật, quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản.
Cũng cần sớm xây dựng các mô hình nuôi cua sạch để bà con nông dân học tập, làm theo giống như mô hình nuôi ếch, ba ba, lươn... Quy trình kỹ thuật nuôi cua không khó nhưng đến nay chưa có đơn vị nào đứng ra hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Nuôi cua có địa chỉ cũng là cách để người tiêu dùng thông minh trong cách lựa chọn giống như các sản phẩm thịt, trứng...
Nguyễn Công (ghi)