Thấy đúng vì chọn học nghềTại Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật cao (Hà Nội), trong danh sách tuyển sinh năm 2014-2015 có tới 42 học sinh dù đậu ĐH với điểm số khá cao nhưng vẫn lựa chọn học nghề tại trường.
Học sinh khoa Tự động hóa Trường CĐ Nghề kỹ thuật cao (Hà Nội) luyện tập chuẩn bị kỳ thi nghề quốc gia.
Một trong số 42 học sinh đó là em Vũ Thị Thanh Xuân, quê xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội), lớp đồ họa, từng thi ĐH Sư phạm Trung ương I với điểm số khá cao - 28 điểm, nhưng rồi lại chọn học cao đẳng nghề. Xuân tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, trong khi ngành sư phạm hiện có tỷ lệ thất nghiệp khá cao nên em quyết định bỏ ĐH để đi học nghề. Quá trình học em thấy ngành học đồ họa khá thú vị. Mừng nhất là đi học lại có học bổng, ra trường lại có việc làm ngay” - Xuân cho hay.
Bùi Anh Tuấn thì đã quyết định bỏ học ĐH từ 3-4 năm trước. Tuấn từng đỗ ĐH Sư phạm Thái Nguyên (nguyện vọng II, 19 điểm) năm 2010, nhưng Tuấn đã chọn trường nghề thay vì học ĐH. Sau 3 năm học, nhờ đạt thành tích cao trong quá trình học tập và đạt giải Nhì trong cuộc thi tay nghề ASEAN, Tuấn được giữ lại trường làm giảng viên. “Ai cũng nghĩ học nghề chỉ là lựa chọn cuối cùng, nhưng khi theo học mình thấy không phải như vậy bởi mục đích cuối cùng là ra trường có việc làm. Theo quan sát của mình, học sinh học nghề tỷ lệ có việc làm cao hơn hẳn học ĐH” - Bùi Anh Tuấn nói.
Vẫn khó tuyển sinhLà trường CĐ nghề được đánh giá hiện đại nhất Việt Nam và có những “minh chứng sống” hết sức thuyết phục về bỏ học ĐH đi học nghề, nhưng thời gian qua, Trường CĐ Nghề kỹ thuật cao Hà Nội vẫn gặp vô vàn khó khăn khi tuyển sinh.
Cả nước có 53,69 triệu lao động thì có tới hơn 2 triệu lao động thất nghiệp và thiếu việc làm (số liệu quý IV/2013). Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp ở trình độ ĐH khá cao, chiếm 4,25%, tăng 1,7 lần (hơn 72 nghìn người) so với năm 2012. Trong khi đó, con số học sinh tốt nghiệp trường nghề có việc làm chiếm từ 90-95%. Nguồn: Bộ LĐTBXH
|
Ông Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mỗi năm trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 1.000 học sinh, trường đã dùng đủ “chiêu” nhưng vẫn không tuyển đủ. “Cũng phải thừa nhận rằng, ở đâu đấy có nhiều trường dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng đào tạo và đầu ra. Chính vì vậy làm giảm niềm tin của người dân với việc học nghề” – ông Khánh thừa nhận.
Tương tự, cứ đến mùa tuyển sinh, Trường CĐ Nghề mỏ Hồng Cẩm (tỉnh Quảng Ninh) lại chạy đôn chạy đáo lo việc tuyên truyền rồi phát tờ rơi. Năm 2013, mặc dù các doanh nghiệp đăng ký đào tạo với trường cần 3.589 lao động, nhưng trên thực tế, đến hết năm 2013, nhà trường chỉ đào tạo được 2.359 học sinh (đạt 66,3% so với kế hoạch).
Thống kê của Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cho thấy, đến cuối năm 2013 cả nước có gần 500 trường CĐ, trung cấp nghề. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường này chỉ dao động trong khoảng 2.500-2.800 học sinh/năm, nhưng chưa năm nào các trường nghề tuyển đủ chỉ tiêu.