Dân Việt

Đào Quốc Huy vẽ để chạm vào hạnh phúc

25/11/2012 06:42 GMT+7
Dân Việt - Với hiểu biết kỹ thuật sơn dầu bài bản, già dặn và quá trình xây dựng cấu trúc tác phẩm công phu, những tác phẩm được bày tại triển lãm "Đô thị ảo" của họa sĩ Đào Quốc Huy đã đem lại một vẻ đẹp riêng biệt.

Cách đây đã lâu, có tờ báo đăng ở mục giải trí một bức tranh vui của nước ngoài về chủ đề đô thị hóa, trên tranh có 2 nhân vật nông dân nói với nhau: "Chúng ta không phải ao ước được chuyển tới thành phố nữa. Nó đã về với chúng ta rồi". Một câu chuyện vô thưởng vô phạt nhưng… nhang nhác đời sống quanh chúng ta hiện nay mà ai cũng dễ dàng nhận thấy.

Mới cách đây chưa lâu, nhiều nơi còn là đồng bãi, giờ quay lại đã thành phố phường. Tốc độ đô thị hóa chóng mặt như cơn lốc ùa đến mọi ngóc ngách của cuộc sống. Nhiều người thích nghi rất nhanh, họ lột xác như thể đã sống trong ánh đèn đô thị từ ngàn năm rồi. Nhưng cũng có không ít người ngơ ngác, thậm chí sốc, không tin nổi vào những gì đang diễn ra trước mắt. Huy nằm trong số những người không thuộc cả hai kiểu trên.

img
 

Sinh ra và lớn lên ở một con phố nhỏ và lặng lẽ của quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Huy cũng có cái vẻ bề ngoài thư nhàn, trầm mặc. Song với con mắt quan sát sắc bén và sự chiêm nghiệm sâu sắc của người nghệ sĩ, Huy đã từng thành công trong nhiều tác phẩm về đời sống đô thị trước đây. Dù chúng cũng đã mang lại cho tác giả không ít giải thưởng, nhưng thật sự là chưa "đã" đối với người xem, bạn bè và đồng nghiệp vì còn mong chờ ở tác giả một điều gì hơn thế. Chỉ đến khi “Đô thị ảo” trình làng, tất thảy đều kinh ngạc trước diện mạo khá "khủng" mang tính liên hoàn của nó.

Sự hoán đổi hài hước giữa thực và ảo

No đói, ấm lạnh với đời sống thị dân từ khi còn là chú nhóc trèo sấu, đánh quay mòn các vỉa hè, Huy rất tâm đắc với câu danh ngôn: “Cuộc sống là một sân khấu vĩ đại”. Những suy tư và chắt lọc từ nhiều năm đã được chuyển tải vào những tác phẩm trưng bày tại triển lãm cá nhân đầu tiên. Cảm xúc, cấu trúc, bố cục, không gian và nhịp điệu... của các nhân vật và mô típ trong tranh cùng với câu chuyện bên trong nó được diễn ra như trong một vở kịch.

img
 

Chủ đề của các tác phẩm lấy cảm hứng từ những hình tượng “Ma-nơ-canh” tràn ngập trong các cửa hàng thời trang trong thành phố; những nhóm Ma-nơ-canh được sắp đặt để mô phỏng cuộc sống thực tại đầy biến động. Nhìn vào tập hợp này, người xem có thể thấy được hình ảnh của một xã hội đương đại và hình ảnh của chính mình. Nói khác đi, mỗi con người hiện đại trong chúng ta đều có một phần “Ma-nơ-canh” vô cảm trong mình.

Ngược lại, tại một thời điểm, một tâm trạng nào đó chúng ta thấy dường như những “Ma-nơ-canh” ấy lại có nét người. Bởi vậy, hệ thống hình tượng trong các tác phẩm của tác giả luôn ở ranh giới giữa hai khái niệm “Người-Ma-nơ-canh” và “Ma-nơ-canh-Người”. Hệ thống này luôn được một hệ thống mô-típ tĩnh vật phụ trợ và được lặp lại theo ý đồ của tác giả.

Người xem sẽ liên tiếp nhận ra hệ thống các mô típ vốn dĩ rất quen thuộc lại mang tính ẩn dụ như: đèn dầu, hoa, cá, bướm, mặt nạ, lồng chim, nước, ô tô, những quả táo, những viên bi (hoặc bong bóng)... Đó là hình ảnh tượng trưng cho những mặt đối lập của cuộc sống: giá trị xưa cũ, những giá trị mới; những vẻ đẹp trường tồn hoặc mong manh, phù du; những vẻ đẹp của tự nhiên và phi tự nhiên, sự giản dị và ấm áp của hạnh phúc bên cạnh vẻ hoang mang, đầy bất ổn của xã hội đương đại, sự tinh khiết, uyển chuyển và mềm mại..

Tất cả nhằm biểu đạt nhiều tầng ý nghĩa của một đời sống đô thị hôm nay. Bề ngoài, hệ thống mô típ này tương đối giống nhau về hình thức nhưng ngữ nghĩa bên trong lại khá đa dạng. Ví dụ, những mảng miếng lớn, sạch sẽ, trơn tru gợi tả sự khô khốc của những bức tường bê tông; hoặc có thể là những vách ngăn, những bình phong chia cắt không gian hoặc sự lấp lánh của mặt gương kính, v.v... nhằm nhấn mạnh đặc trưng của không gian đô thị.

Có thể chúng đại diện cho các giới hạn không thể vượt qua về mặt tinh thần. Hoặc gợi nên kiểu "không gian chia lô" dành cho con người và những câu chuyện của họ trong đô thị đó. Cái thú vị là ở chỗ, họa sĩ một mặt muốn chia sẻ với người xem các lớp ý nghĩa ẩn giấu trong mỗi tác phẩm. Đồng thời cũng đặt ra một "ảo thuật" tinh quái nào đó cho toàn bộ các tác phẩm khiến chúng vẫn có sự bí ẩn, khó nắm bắt một cách cụ thể - đúng như tên gọi của triển lãm: Đô thị ảo.

Vẽ để chạm vào hạnh phúc

Triển lãm gồm 20 bức tranh khổ lớn. Đó là 20 câu chuyện khác nhau về những mặt đối lập của con người, xã hội. Đó là đàn ông - đàn bà, bất biến và đổi thay, giá trị thực và phù phiếm, quá khứ và tương lai... Chợt nhớ đến nhận xét của một nhạc sĩ khi trả lời phỏng vấn báo chí: "...Tôi thấy quanh mình, hình như ai cũng cô đơn và bâng khuâng giữa bao nhiêu thác lũ văn hóa, vật chất tràn vào Việt Nam. Có một nỗi sợ rất nhược tiểu cộng với thói quen sính ngoại đến lố bịch, có thể biết là thế nhưng mọi người vẫn đua nhau tiêu phí để bù lấp những trống trải nào đó…".

Những nhận xét này khá tương đồng với cảm xúc mà triển lãm “Đô thị ảo” mang lại. Bằng hội họa và thông qua hội họa với nhân vật, chi tiết, ký hiệu, các mảng màu trong trẻo, rực rỡ, chói gắt hay u uẩn, trầm tư... tác giả đã cho thấy một nhãn quan riêng đối với những ảo tưởng, ảo vọng cuốn hút không ít người trong xã hội đương đại nhưng không sa đà vào việc biện hộ hay phê phán cho những thực tế mà mình diễn đạt.

Rút ra được điều gì hay không là tự ở người xem. Họa sĩ đã tỉnh táo tiết chế, tránh được căn bệnh lên gân triết lý; hoặc giả mướt mát làm điệu trên mặt tranh như không ít tác phẩm chịu ảnh hưởng rất gượng ép từ "China Pop Art" hiện nay. Chính vì vậy, phần lớn các tác phẩm bày tại triển lãm đều khá nhiều chi tiết, nhiều nhân vật, nhưng không rơi vào tình trạng rậm lời, mệt mỏi.

Với hiểu biết kỹ thuật sơn dầu bài bản, già dặn và quá trình xây dựng cấu trúc tác phẩm công phu, những tác phẩm được bày tại triển lãm này của họa sĩ Đào Quốc Huy đã đem lại một vẻ đẹp riêng biệt về mặt thị giác nhưng cũng không đẩy người xem tới chỗ hoang mang vì quá nhiều ảo ảnh và hỗn loạn. Tình cảm ấm áp, trân trọng với hạnh phúc bình dị của cuộc sống vẫn hiển hiện, giống như tên gọi của một bức tranh mà họa sĩ coi như lời tự sự: “Chạm vào hạnh phúc".

Với “Đô thị ảo”, có lẽ Huy đã toại nguyện bước đầu với điều tâm đắc của mình. Đồng thời, những gì còn chưa được thể hiện hết trong những tác phẩm ở triển lãm này cũng là một lời hẹn của họa sĩ về một kỳ triển lãm sau với nhiều bung phá và sáng tạo hơn nữa.