Theo đó, các đối tượng ở vùng khó khăn cũng sẽ được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT như các đối tượng người nghèo và đồng bào dân tộc miền núi.
Luật BHYT sửa đổi sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân sống ở vùng kinh tế khó khăn.
Đây là đề xuất sau nhiều lần Bộ Y tế đi thực địa và nhận thấy cho dù không phải đồng bào dân tộc thiểu số hay người nghèo thì hoàn cảnh của đa số người dân 62 huyện nghèo cũng rất khó khăn, hầu hết là hộ cận nghèo. Theo điều tra sơ bộ, hầu hết các đối tượng này không mua BHYT trong khi họ hay ốm đau, tai nạn, phải gánh chịu chi phí y tế sẽ rất lớn.
Không những đem lại lợi ích cho người dân sống ở vùng kinh tế khó khăn mà Luật BHYT sửa đổi còn nâng mức hưởng BHYT của cả người cận nghèo từ 80- 95%, người nghèo từ 95-100%. Như vậy, các đối tượng cận nghèo, người Kinh nhưng sống ở vùng khó khăn như gia đình anh Mạnh vừa được Nhà nước mua thẻ BHYT, vừa được tăng mức hưởng BHYT khi đi khám chữa bệnh. Theo bà Hương, đó là một trong những yếu tố nhân văn mà Luật BHYT sửa đổi mong muốn được thông qua.
"Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT trong 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (khoảng 7 triệu đồng), trừ trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến, sử dụng kỹ thuật và thuốc ngoài danh mục”. Bà Tống Thị Song Hương
|
Với các đối tượng khác, Hương cho biết, BHYT Việt Nam đang xây dựng trên nguyên tắc “đóng theo thu nhập, hưởng theo mức độ bệnh tật”.
Trước đó, sáng 22.5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi). Dự thảo tập trung sửa đổi các quy định về bắt buộc tham gia BHYT; về quy định tham gia BHYT theo hộ gia đình; về quản lý, phân bổ sử dụng và xử lý kết dư, bội chi quỹ BHYT; về quy định giảm mức cùng chi trả... Theo các ĐB, đây là dự án luật quan trọng nhưng nhiều quy định hiện hành đang gặp vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ. Một số quy định gây bức xúc trong nhân dân như chi trả khám chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến…
Thực tế sau 3 năm triển khai Luật BHYT hiện hành cho thấy, mặc dù luật đã quy định cụ thể các đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT nhưng việc tuân thủ pháp luật của các đối tượng này chưa cao. Để thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân thì cần phải quy định bắt buộc tham gia đối với tất cả các đối tượng, Nhà nước sử dụng cơ chế hỗ trợ ngân sách trực tiếp cho một bộ phận người dân tham gia BHYT, cũng như cơ chế chính sách về giá dịch vụ y tế để thúc đẩy toàn dân tham gia BHYT.