Từ ngày 01.5.2014 Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng nhiều tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trong Thềm lục địa và vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam.
Phía Trung quốc còn sử dụng các tàu uy hiếp, đâm, va, dùng vòi rồng phun nước áp lực cao vào các tàu của Việt Nam hoạt động thi hành pháp luật trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (
làm hư hỏng 24 tàu, trong đó 19 tàu kiểm ngư, 05 Tàu cảnh sát biển). Đặc biệt nghiêm trọng, lực lượng chức năng của Trung Quốc đã có những hành vi hung hăng, đánh đập, gây thương tích, đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam và đâm chìm một số tàu của ngư dân Việt Nam.
Hành động trên của phía Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng Luật pháp Quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Trung Quốc là quốc gia thành viên. Hành động này cũng đã đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN, gây căng thắng, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Hành động này của Trung Quốc đi ngược lại các thỏa thuận tại các Tuyên bố chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, làm tổn thương đến tình cảm của nhân dân Việt Nam và ảnh hưởng tiêu cực đến tình hữu nghị láng giềng giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Trung Quốc.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng toàn thể đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động bày tỏ sự bất bình và phản đối hành động sai trái, nguy hiểm nói trên của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan
Hải Dương 981 cùng các phương tiện hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hành động phi pháp đối xử vô nhân đạo đối với ngư dân Việt Nam trên Biển Đông và không lặp lại các hành động tương tự trong tương lai.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên Biển Đông theo đúng quy định của luật pháp quốc tế.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết được nêu trong Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa Trung Quốc và ASEAN và thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoàn toàn ủng hộ chủ trương và nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam bằng các biện pháp hoà bình; bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ và đánh giá cao việc các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân bảo vệ chủ quyền đất nước, kiên cường bám trụ bất chấp các hành động vi phạm luật pháp quốc tế của phía Trung Quốc.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kêu gọi chính giới các nước, các tổ chức công đoàn và các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới hãy có tiếng nói bảo vệ công lý, bảo vệ luật pháp quốc tế ủng hộ chính nghĩa và lẽ phải, phản đối và ngăn chặn các hành động sai trái của Trung Quốc, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông và thế giới. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân Việt Nam - Trung Quốc nói chung và tổ chức công đoàn hai nước nói riêng; đồng thời sẵn sàng làm hết sức mình cùng nhân dân, tích cực tuyên truyền động viên công nhân, viên chức, người lao động và thế hệ trẻ Việt Nam phát huy lòng yêu nước, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia, bảo vệ công lý và luật pháp quốc tế, giữ gìn hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực và trên toàn thế giới.