Sau khi Báo NTNN số 126 đăng bài “Cuộc sống đảo lộn vì sà lan hút cát”, nhiều bạn đọc gọi điện về tòa soạn hỏi quy định của pháp luật về việc hút cát, người vi phạm sẽ bị xử lý ra sao?
Luật sư Phạm Thị Bích Hảo (Công ty Luật Đức An, Hà Nội) cho biết: Việc khai thác cát phải thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản, Nghị định 15/2012/NĐ-CP.
Theo đó tổ chức, cá nhân muốn khai thác cát trên sông phải được UBND tỉnh cấp phép. Đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại khoản 2, Điều 55, Luật Khoáng sản như: Phải đăng ký ngày bắt đầu khai thác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và thông báo cho UBND các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện; bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường; phải bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra…
Tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ hoặc khu vực được phép khai thác bị công bố là khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản… sẽ bị thu hồi giấy phép. Ngoài ra, khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản cũng quy định trong một số trường hợp như khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó không phải xin phép…
Nghị định 142/2013/NĐ-CP dành 1 chương quy định hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, hình thức xử phạt, mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả. Cụ thể, Điều 29 quy định phạt tiền đối với hành vi vi phạm các quy định về khu vực khai thác khoáng sản, theo đó mức phạt từ 3.000.000 - 100.000.000 đồng. Điều 33 cũng quy định phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về công suất được phép khai thác, theo đó mức phạt lên đến 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trên 10% lượng khai thác quy đinh trong giấy phép khai thác…
Nếu có căn cứ cho rằng việc khai thác cát gây sạt lở sông, thiệt hại tài sản thì người khai thác còn phải bồi thường thiệt hại.
Trường hợp việc khai thác gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2 năm đến 10 năm theo quy định tại Điều 172 Bộ luật Hình sự.
Theo phản ánh, khi bị ngăn cản, người khai thác cát còn rút súng dọa bắn. Đây là sự việc rất nghiêm trọng, cơ quan điều tra cần khẩn trương vào cuộc để xử lý nghiêm.